Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản 2016 đưa các hình ảnh về hoạt động trái phép của Trung Quốc ở biển Đông (Ảnh: China Daily) |
Hôm qua (2/8), tại cuộc họp nội các, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani công bố Sách Trắng Quốc phòng 2016, trong đó, nhấn mạnh tới những căng thẳng, tranh chấp chủ quyền trên biển.
“Chỉ mặt đặt tên”
Trong 484 trang tài liệu Sách Trắng Quốc phòng năm nay, Nhật Bản không né tránh việc bày tỏ sự quan ngại đối với các động thái của Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông. Đáng chú ý, Sách Trắng Quốc phòng được công bố sau chưa đầy 1 tháng Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý của Bắc Kinh, trong tranh chấp ở biển Đông với Philippines, theo Reuters.
Sách Trắng cho rằng, Bắc Kinh vẫn đang áp dụng triệt để những chiêu “ép buộc” trong bang giao quốc tế lẫn “sự đã rồi”. “Trung Quốc sẵn sàng hành động đơn phương mà không thỏa hiệp, trong đó bao gồm cả việc duy trì các hành động nhằm biến những động thái mang tính cưỡng ép thành hiện trạng và sau đó thành sự đã rồi”, Reuters dẫn tài liệu trên cho hay. Đồng thời, Tokyo nhấn mạnh việc “Bắc Kinh coi thường phán quyết của Tòa Trọng tài có thể đem lại những hậu quả khôn lường”.
Về tình hình biển Hoa Đông, Sách Trắng nhận định: “Gần đây, Trung Quốc đang tăng cường hoạt động gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), như việc điều máy bay quân sự tới gần quần đảo”.
Sách Trắng thống kê, số lần Không lực Nhật Bản phải triển khai máy bay để đối phó với máy bay của Trung Quốc tăng một cách đáng báo động (khoảng 23%) - lên 571 lần trong năm tài khóa 2015; chỉ từ tháng 4 - 6 năm nay, đã có 199 lần.
Liên quan tới tình hình biển Đông, Sách Trắng cho rằng, Trung Quốc “ngoài miệng khẳng định hòa bình, nhưng mặt khác lại tỏ ra coi thường luật pháp quốc tế” và đưa ra các hình ảnh vệ tinh cụ thể chụp lại các khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp trên biển Đông, trong đó có 7 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tokyo khẳng định, Bắc Kinh không có dấu hiệu dừng các hoạt động bồi đắp và xây dựng trái phép tại đây. Tuy nhiên, nước này lại lớn tiếng không công nhận phán quyết vụ kiện biển Đông.
Ngoài ra, Sách Trắng còn đề cập tới chương trình hạt nhân của Triều Tiên và các mối đe dọa trong khu vực.
“Những người trong cuộc” nói gì?
Hôm qua, ngay sau khi Nhật Bản cho công bố Sách Trắng Quốc phòng, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc lên tiếng phản đối việc Nhật Bản đưa quần đảo tranh chấp giữa hai bên vào tài liệu này. Trong đó, Sách Trắng khẳng định, đây là quần đảo thuộc chủ quyền Nhật Bản, theo Yonhap.
Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản đề cập tới đảo tranh chấp với Hàn Quốc |
Trong Sách Trắng, ông Gen Nakatani nhắc tới quần đảo mà phía Nhật gọi là Takeshima, Seoul gọi là Dokko trong nội dung của Sách Trắng Quốc phòng năm nay. Bên cạnh đó, Nhật Bản còn đưa ra bản đồ Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở quần đảo này. Quần đảo Takeshima/Dokko nằm ở biển Nhật Bản hiện do Hàn Quốc quản lý, nhưng Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền. Tranh cãi về chủ quyền Dokdo/Takeshima là một trong các vấn đề còn tồn tại giữa hai nước sau Thế chiến II.
Ông Moon Sang-gyun - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Seoul đang hối thúc Tokyo rút lại tuyên bố trong Sách Trắng và không lặp lại hành động tương tự. Giới chức ngoại giao và quốc phòng Hàn Quốc đã triệu tập quan chức sứ quán Nhật Bản ở Seoul để phản đối. Hàn Quốc đồng thời cũng cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp “cứng rắn” trước mọi mưu đồ xâm hại chủ quyền của Hàn Quốc đối với quần đảo này.
Cùng ngày, hãng tin Xinhua của Trung Quốc cho rằng, Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản năm nay “đã bôi xấu các hoạt động hàng hải bình thường của Trung Quốc để biện minh cho các hành động quân sự của Nhật Bản” và tỏ ra “thiên vị và bất hợp pháp trong vấn đề Biển Đông”. “Trong hơn 480 trang Sách Trắng, Nhật Bản dành tới 30 trang để đưa ra những bình luận vô căn cứ về các hoạt động bình thường và hợp pháp của Trung Quốc ở biển Đông và biển Hoa Đông”, Xinhua viết và nói thêm: “Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe đang cố gắng bào chữa cho hành động sửa đổi hiến pháp hòa bình thời hậu chiến và các hành động quân sự hóa của Nhật Bản”.
Trước khi Tokyo công bố Sách Trắng một ngày, hải quân Trung Quốc đã tiến hành tập trận trên biển Hoa Đông. Đến chiều tối qua, Mỹ - đồng minh thân cận của Nhật Bản chưa đưa ra bình luận gì về Sách Trắng Quốc phòng.
Những điểm đáng chú ý trong Sách Trắng Quốc phòng Sách Trắng Quốc phòng Nhật Bản năm nay dành hẳn 1 chương về Luật Hòa bình và an ninh, liên quan tới sự thay đổi trong chính sách quốc phòng thời hậu chiến. Theo đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) có quyền thực thi quyền phòng vệ tập thể và hỗ trợ nếu các quốc gia đồng minh bị tấn công. - Kêu gọi tất cả các quốc gia tuân thủ Công ước về Luật Biển 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS) và hối thúc ASEAN cùng Trung Quốc nhanh chóng hoàn thiện Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC). - Ngân sách Quốc phòng năm 2016 tăng 0,8% lên 4,86 nghìn tỉ yên (48 tỉ USD) để đầu tư cho trang thiết bị quân sự mới và chi phí liên quan tới quân Mỹ đồn trú tại Nhật Bản và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của mối quan hệ đồng minh với Mỹ. - Sẽ tăng số lượng nữ quân nhân trong lực lượng SDF và xem xét các vấn đề liên quan tới các nữ quân nhân này. - Lo ngại về những tiến triển trong Chương trình tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận