Một bệnh nhân lao đang điều trị lại BV Phổi T.Ư |
Chi phí điều trị lao lên đến trăm triệu
Con trai 22 tuổi nằm điều trị tại BV Phổi T.Ư, cô Nguyễn Thị Thiện (Phúc Thọ, Hà Nội) cho hay, sau hơn chục ngày nhập viện chi phí tạm tính đã khoảng 15 triệu đồng. Mặc dù bệnh nhân có BHYT nhưng vì điều trị vượt tuyến nên chỉ được bảo hiểm thanh toán 40%.
Được biết, trước khi nhập viện, con trai cô Thiện ho ra máu, dù không có bất kỳ biểu hiện lạ gì trước đó. Hoảng quá, gia đình vội đưa con lên BV Phổi T.Ư và được yêu cầu nhập viện, sau khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc lao. Cũng theo lời cô Thiện, gia đình chủ yếu làm nông nghiệp, nhà có mỗi cậu con trai làm công nhân cơ khí là trụ cột, nhưng giờ nằm viện. “Gánh nặng kinh tế đè nặng vai, nhưng cũng sẽ phải cố hết sức”, cô Thiện cho biết.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Nguyễn Thị Thùy Dung, khoa Lao - Hô hấp, BV Phổi T.Ư cho biết: Tại khoa, đa phần bệnh nhân đều rất nặng. Bệnh nhân không chỉ mắc riêng bệnh lao mà thường mắc kèm theo nhiều bệnh khác. Chi phí điều trị lao có người chỉ khoảng 2-3 triệu đồng nhưng có người nặng hoặc chịu nhiều tác dụng phụ của thuốc lao phải nằm điều trị hàng tháng thì chi phí lên cả trăm triệu đồng. Mặc dù thuốc lao được hỗ trợ miễn phí, nhưng chi phí điều trị vẫn rất cao cho các khoản như giường nằm, thuốc hỗ trợ khác (men gan cao, viêm phổi), tiền ăn uống hàng ngày…
Cũng theo BS. Dung, khoa cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân trong tình trạng mắc bệnh lao từ lâu rồi nhưng bỏ qua điều trị. Chỉ đến khi bệnh quá nặng mới tìm đến viện. “Hiện trong khoa, có nhiều bệnh nhân không có BHYT trong khi chi phí điều trị cho bệnh nhân lao khá đắt. Nếu được hỗ trợ, bệnh nhân có tiền chi trả thuốc, tâm lý an tâm và quyết tâm điều trị. Bệnh lao được điều trị thì tỷ tệ thành công cao”, BS. Dung chia sẻ.
PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi T.Ư cho biết: BHYT là một chính sách rất hiệu quả để giúp cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt quan trọng với người mắc bệnh lao. Tuy nhiên, hiện nay kinh phí điều trị bệnh lao vẫn là gánh nặng đối với người nghèo và cận nghèo, đối tượng chiếm tỷ lệ cao trong số những người mắc lao. Số người chết do lao năm 2016 ở Việt Nam do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính là 13.000 người, cao hơn nhiều so với con số tử vong do TNGT. Những người chết do lao chủ yếu và chưa được phát hiện và điều trị.
Để san sẻ phần nào gánh nặng của những bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn, BV Phổi T.Ư và Chương trình Chống lao Quốc gia vừa kêu gọi nhắn tin ủng hộ Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao. Theo đó, từ nay đến 24h ngày 29/6, Chương trình Chống lao Quốc gia kêu gọi xã hội đóng góp xây dựng Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao bằng tin nhắn “TB” gửi tới 1402. Mỗi tin nhắn tương ứng 18.000 đồng đóng góp. Mục tiêu của quỹ này hướng tới việc mua thẻ BHYT cho người bệnh lao chưa có thẻ, trợ giúp kinh phí đồng chi trả cho tất cả những người bệnh lao trong suốt thời gian điều trị và hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn để được phát hiện sớm và chữa khỏi bệnh lao, không lây lan ra cộng đồng và tiến tới chấm dứt bệnh lao.
Ai có nguy cơ mắc lao?
Nằm điều trị tại buồng bệnh bên cạnh, chị Nguyễn Thúy Hoa (Quảng Ninh) cho hay, chị cũng bất ngờ khi nhận được chẩn đoán của bác sĩ mình mắc bệnh lao. “Thời gian đầu khá sốc vì gia đình không ai mắc bệnh này còn em lại mới cưới, chưa kịp có con. Em cũng mất một thời gian stress, nhưng được gia đình động viên nên quyết định lên đây điều trị. Hi vọng chóng khỏi bệnh để thực hiện kế hoạch sinh em bé”, chị Hoa nói.
Theo PGS.TS. Nhung, vi khuẩn lao trú ngụ ở các hang, hốc trong cơ thể. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai mang vi khuẩn lao cũng mắc bệnh lao. Điều này có nghĩa những người khỏe mạnh vẫn đang có vi khuẩn lao trong người. “Bệnh lao không gây tử vong bất ngờ như TNGT hay tai biến sản khoa được báo trước, mà diễn biến một cách âm thầm. Mắc lao không có tội nhưng giấu bệnh không những có tội với bản thân mà còn có lỗi với những người xung quanh và cộng đồng. 40% người không phát hiện bệnh để được chữa trị sẽ tử vong”, PGS. Nhung khuyến cáo.
Cũng theo PGS. Nhung, nguy cơ mắc lao bao gồm việc tiếp xúc với người bị lao thường xuyên. Bệnh cũng dễ mắc khi cơ thể suy giảm hệ miễn dịch hoặc sống trong các khu chật hẹp như trại giam, phòng trọ hoặc dinh dưỡng kém, sức đề kháng suy giảm, hút thuốc lá, lạm dụng rượu, đái tháo đường…
Theo đánh giá của WHO, Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao cao, xếp thứ 16/30 nước có số bệnh nhân lao cao nhất thế giới và xếp thứ 13/30 nước có bệnh nhân lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Năm 2016, có khoảng 126.000 người mắc lao mới, trong đó Chương trình Chống lao Quốc gia đã phát hiện khoảng hơn 100.000 người mắc lao, số còn lại chưa được phát hiện trong cộng đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận