Thời sự

Sàng lọc cán bộ để kiểm soát quyền lực

07/02/2018, 06:45

Ban Tổ chức T.Ư tổ chức Hội nghị tham gia ý kiến dự thảo Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ...

5

Hội nghị do Ban Tổ chức T.Ư tổ chức sáng 6/2

Sáng 6/2, Ban Tổ chức T.Ư tổ chức Hội nghị tham gia ý kiến dự thảo Đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Người đứng đầu tốt, cả hệ thống mới tốt

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính cho rằng tình hình mới tác động đến công tác cán bộ đòi hỏi cán bộ cũng phải đổi mới. Theo ông Chính, Đề án này có bố cục 5 phần. Đối tượng nghiên cứu trong đề án là cán bộ, lãnh đạo nói chung, nhưng qua nghiên cứu cho thấy cần giới hạn lại cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu, cán bộ cấp chiến lược.

Nhấn mạnh vai trò của việc lựa chọn cán bộ, nhất là người đứng đầu, ông Chính cho rằng người đứng đầu tốt thì mới chọn được cán bộ tốt, mọi việc lúc đó suôn sẻ thì cả hệ thống mới tốt. Đối với cán bộ cấp chiến lược, trong đề án giới hạn lại cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, tức là cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương.

Tại hội nghị, các đại biểu đã phân tích, thảo luận về những kết quả đã đạt được trong xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong những năm qua, chỉ rõ những yếu kém, hạn chế và nguyên nhân của vấn đề, trên cơ sở đó đóng góp ý kiến khá toàn diện trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, trong đó nhấn mạnh về trách nhiệm của người đứng đầu.

Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho hay, song song với đề án này, từ đầu nhiệm kỳ đến nay có 2 đề án khác nằm trong 6 nhiệm vụ trọng tâm. Đó là đề án thông qua tại Hội nghị T.Ư 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hiện đang có bước khởi sắc tốt. Thứ hai là đề án thông qua tại Hội nghị T.Ư 6 về xây dựng bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hiện đang được các bộ ngành, địa phương đang triển khai quyết liệt.

Đề cập đến việc chúng ta đang chi thường xuyên lên tới 65% GDP, trong khi chi cho đầu tư phát triển lại giảm, phải đi vay, Trưởng ban Tổ chức T.Ư lưu ý chúng ta cần khắc phục tình trạng này, nếu không tới đây Hội nghị T.Ư 7 bàn về cải cách tiền lương sẽ không biết lấy nguồn đâu để cải cách. “Nếu không giảm chi thường xuyên, chẳng lẽ phải đi vay để tăng lương?”, ông Chính đặt vấn đề, đồng thời nêu thực trạng chúng ta thực hiện Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế nhưng đến nay không giảm được bao nhiêu.

Theo ông Chính, trong nhiệm kỳ này, cùng với việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, Hội nghị T.Ư 7 sẽ bàn việc xây dựng đội ngũ cán bộ. Nhấn mạnh hai trọng tâm trong công tác cán bộ là đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp, ông Chính nhấn mạnh: “Có đội ngũ này tốt, xuất sắc sẽ xoay chuyển tình hình. Muốn có sản phẩm tốt thì phải có dây chuyển tốt; muốn có sản phẩm tiên tiến, đủ sức cạnh tranh thì phải có dây chuyền đủ sức cạnh tranh. Nói như Bộ trưởng Bộ NN & PTNT, nền nông nghiệp phải thích nghi với biến đổi khí hậu nhưng khi chúng ta không thể thay đổi khí hậu thì chúng ta phải thay đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu hiện nay. Cán bộ cũng phải tư duy như vậy”.

Phê bình chủ yếu là “nịnh”, không biết được khuyết điểm

Đề cập đến vấn đề giải pháp, Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho biết có nhiều, nhưng xác định một số giải pháp đột phá. Trước hết là phát hiện, đào tạo bồi dưỡng nhân tài. Tiếp đến, phải đánh giá cán bộ, và đây đang là khâu yếu.

“Đánh giá không đúng, bố trí sai là chuyện bình thường. Chúng tôi đề nghị đánh giá đa chiều từ trên đánh xuống, từ dưới lên, từ trong ra ngoài và ngược lại, đánh giá liên tục hàng tuần, hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng... Cùng với đó, đánh giá lượng hoá chứ không thực hiện theo định tính như hiện nay. Cũng cần lưu ý việc đánh giá cán bộ bằng hình thức thu thập thông tin.

Vừa qua, Ban Tổ chức T.Ư có làm với một số nơi bằng cách cử Phó ban xuống gặp từng đồng chí thường vụ, Ban cán sự và gặp các đồng chí có liên quan để nắm tình hình. Sau đó trở lại, cái gì thuộc thường vụ góp ý cho thường vụ, cái gì thuộc bí thư góp ý cho bí thư nhưng giấu nguồn để phê bình, tự phê bình không ồn ào, phức tạp nhưng hiệu quả”, ông Chính dẫn chứng.

Qua nhiều cuộc họp, ông Chính cho biết “thấy nhiều đồng chí Bí thư nói rất hay về việc ta đang mắc bệnh nan y “rất thích nịnh”. “Kiểm điểm, phê bình, tự phê bình chủ yếu là nịnh thôi nên đồng chí mình không biết được khuyết điểm”, ông Chính nói và góp ý sẽ khắc phục tình trạng này bằng cách thu thập thông tin qua nhiều kênh rồi trao đổi lại, nhưng không nêu nguồn.

Giải pháp khác được ông Chính nêu lên là phải kiểm soát quyền lực, sàng lọc và thay thế. “Hiện ta chưa kiểm soát tốt quyền lực nên sử dụng không đúng, xem quyền lực như là của mình rồi ban phát, xin cho. Cán bộ trong quá trình bố trí thấy sai thì phải sàng lọc, thay thế ngay nhưng chúng ta hiện thay thế rất khó”, ông Chính nêu thực tế và cho rằng đây là những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm, chưa làm được nên cần đột phá để làm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.