Shangri-La sẽ tập trung nghiên cứu những bước đi của Trung Quốc trên Biển Đông |
Trung Quốc sẽ làm gì trên Biển Đông?
Ba vấn đề chủ chốt đang gây quan ngại tới an ninh Châu Á sẽ được các quan chức quốc phòng bàn thảo bao gồm: tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, vấn đề Triều Tiên, khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) lan sang Đông Nam Á.
Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á (hay còn được gọi là Đối thoại Shangri-La) do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London tổ chức, thu hút ít nhất 20 bộ trưởng Quốc phòng tham dự. Thủ tướng Thái Prayut Chan-O-Cha sẽ mở đầu hội nghị tại Singapore bằng bài phát biểu quan trọng.
Về Biển Đông, Giám đốc điều hành IISS Châu Á – ông Tim Huxley từng viết: “Có rất nhiều đồn thổi xung quanh bước đi tiếp theo của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Toà trọng tài Thường trực tại The Hague chuẩn bị ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về tuyên bố chủ quyền của nước này cũng như hoạt động của Bắc Kinh trong khu vực tranh chấp chủ quyền với Philippines”. Mới đây, có thông tin cho rằng, Trung Quốc đã hoàn thành việc thiết lập Vùng Nhận diện Phòng không trên Biển Đông như đã từng làm trên Biển Hoa Đông năm 2013 nhưng sẽ chỉ công bố khi Mỹ gây áp lực lên Trung Quốc.
Trong báo cáo nghiên cứu được công bố ngày 2/6, Cơ quan cố vấn an ninh HIS Janes’s cho biết, căng thẳng trên Biển Đông sẽ đẩy chi tiêu quốc phòng khu vực Châu Á- Thái Bình Dương lên gần 25% lên 533 tỉ USD trong năm 2020 so với năm 2015. “Cho tới năm 2020, trung tâm hút chi tiêu quốc phòng dự kiến sẽ tiếp tục chuyển dần từ phía các nền kinh tế đã phát triển ở Tây Âu và Bắc Mỹ sang các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt ở khu vực Châu Á” – Giám đốc HIS Jane’s Paul Burton nói.
Triều Tiên và khủng bố
Ngoài Biển Đông, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên là mối lo ngại khác sẽ được đưa vào chương trình nghị sự tại diễn đàn Shangri-La. Thời gian gần đây, Triều Tiên liên tiếp thực hiện các vụ thử nghiệm tên lửa, hạt nhân bất chấp lệnh cấm vận khắt khe nhất từ Liên Hợp Quốc.
Khủng bố tại Đông Nam Á – mối đe doạ mới nổi trong khu vực cũng sẽ được Tư lệnh Quốc phòng của 20 nước cũng đưa ra bàn thảo, đặc biệt là mối đe doạ từ các tổ chức, cá nhân tại khu vực Đông Nam Á tham gia vào Nhà nước Hồi giáo (IS).
Đặc biệt, tại Indonesia, năm ngoái, Tổng Thanh tra Indonesia Tito Karnavian cho rằng nhóm khủng bố Hồi giáo Indonesia (NII) - một trong những nhóm đầu tiên tuyên truyền tư tưởng cực đoan tại khu vực Đông Nam Á và tổ chức khủng bố Jemaah Islamiah (JI) đã biến Indoesia trở thành "thủ đô" của khủng bố tại khu vực Đông Nam Á. Thứ trưởng Nội vụ Malaysia Nur Jazlan Mohamed e ngại, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đang âm mưu tuyển mộ những người có chuyên môn cao về các loại vũ khí, vật liệu nổ từ Malaysia và Indonesia.
Ngoài ra, còn có thông tin IS muốn lập căn cứ tại Đông Nam Á. Theo đó, Mahmud Ahmad, một cựu giảng viên người Malaysia, thành viên IS đang có kế hoạch thành lập một nhóm chiến binh tại khu vực này. Mahmud hiện đang lẩn trốn ở miền Nam Philippines. Ông Jazlan nhấn mạnh, đây là một mối đe dọa lớn đối với toàn khu vực và không thể đánh giá thấp kế hoạch này.
Ngoài bàn thảo chung giữa 20 quốc gia, Diễn đàn an ninh Châu Á cũng tạo cơ hội cho các quan chức quân sự gặp mặt kín. Trước đó, Shangri-la từng làm nóng làng báo quốc tế với những cuộc tranh luận dữ dội từ phía Mỹ và Trung Quốc. Trước thềm Shangri-La, ông Zhou Bu, giảng viên danh dự tại Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc có bài luận, trong đó nói: “Các diễn đàn Shangri-La trước đây đã trở thành “bữa tiệc của truyền thông” và khiến người ta nghĩ rằng, xung đột giữa hai gã khổng lồ của thế giới (Mỹ - Trung) là điều không thể tránh khỏi”.
Nhưng, quan hệ Mỹ - Trung rất “đàn hồi” bởi các bên đều tự hiểu hậu quả nếu xung đột và đối đầu”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận