Chuyện dọc đường

Siêu tổng công ty và đòi hỏi cải tổ

22/02/2017, 07:40

Không phải đến nay, hiệu quả hoạt động của SCIC mới được đặt ra, song nhiều vấn đề liên quan đến mô hình...

11

50% doanh thu của SCIC có được là nhờ “gom” cổ tức từ các doanh nghiệp quản lý, trong đó Vinamilk được coi là “con bò sữa” - Ảnh: Brands Vietnam

Không phải đến nay, hiệu quả hoạt động của SCIC mới được đặt ra, song nhiều vấn đề liên quan đến mô hình, cơ chế và nguồn lực của "siêu" tổng công ty này vẫn chưa được điều chỉnh, hoàn thiện. Một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu, đó là tính minh bạch của SCIC song các thông tin của DN rất ít và chậm được công bố. 

Trong danh mục triển khai bán vốn được TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) công bố hồi giữa năm ngoái, chỉ có 2/10 DN lớn Nhà nước yêu cầu bán hết vốn gồm Công ty CP FPT và Công ty CP Xuất nhập khẩu Sa Giang. Một số DN “khủng” nếu thoái vốn có thể mang về ngay cho ngân sách cả tỷ USD đã không được đưa vào lộ trình, trong đó phải kể đến Vinamilk.

Quyết định này của HĐQT và Tổng giám đốc SCIC hoàn toàn dễ hiểu bởi Vinamilk đang được ví như “con bò sữa” của “siêu” tổng công ty này. Chỉ riêng khoản cổ tức đợt 2 năm 2015 của Vinamilk đã mang lại cho SCIC khoản tiền mặt 3.246 tỷ đồng, chiếm hơn 64% nguồn thu từ cổ tức và hơn 30,6% tổng nguồn thu của cả DN!

Nhìn từ trường hợp của Vinamilk cũng như một vài DN lớn khác mà SCIC đang quản lý, như Nhựa Tiền Phong, FPT, Traphaco..., có thể thấy nguồn thu chủ yếu của SCIC đến từ đâu và hiệu quả hoạt động của “siêu” tổng công ty này đã thực sự như mục tiêu, kỳ vọng?

Như tên gọi, 2 vai trò quan trọng của SCIC là quản lý và kinh doanh vốn Nhà nước. Tuy nhiên, sau chục năm thành lập, vai trò đầu tư của SCIC vẫn rất mờ nhạt, thể hiện qua kết quả kinh doanh, gần 48% là từ cổ tức; hơn 42% là từ bán vốn và chưa đầy 10% từ doanh thu tài chính, trong đó chủ yếu là lãi tiền gửi ngân hàng!

Không phải đến nay, hiệu quả hoạt động của SCIC mới được đặt ra, song nhiều vấn đề liên quan đến mô hình, cơ chế và nguồn lực của “siêu” tổng công ty này vẫn chưa được điều chỉnh, hoàn thiện. Một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu, đó là tính minh bạch của SCIC song các thông tin của DN rất ít và chậm được công bố. Đơn cử, thời điểm này đã là đầu năm 2017, song báo cáo tài chính mới nhất mà SCIC cung cấp ra thị trường là của 6 tháng đầu năm 2015! Sự thiếu minh bạch cũng dễ dẫn tới tùy tiện trong việc nhận chuyển giao hay thoái bớt vốn Nhà nước tại các DN quản lý, đơn cử như là thoái thác nhận chuyển giao hay thẳng tay thoái vốn tại những DN kém hiệu quả, thua lỗ, song lại khư khư giữ lấy những “con bò sữa” kiểu Vinamilk.

Nguồn nhân lực của SCIC cũng là một dấu hỏi nghi ngại khi lãnh đạo chủ chốt, đồng thời đại diện vốn Nhà nước tại các DN phần lớn là cán bộ lãnh đạo của một số cơ quan quản lý, rất ít kinh nghiệm về kinh doanh. Chưa kể, phụ cấp của đội ngũ này không khác gì nhân viên hành chính sự nghiệp, thiếu hẳn cơ chế khuyến khích bằng quy định thưởng gắn với hiệu quả hoạt động.

Có thể thấy, vai trò của SCIC với DN không khác biệt nhiều so với cách thức quản lý vốn Nhà nước hiện hành của bộ chuyên ngành hay địa phương. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng khiến nhiều bộ, ngành, địa phương và bản thân DN ấm ức, trì hoãn chuyển giao vốn về cho SCIC.

Chục năm hoạt động đủ để xem xét lại mô hình, cách thức, hiệu quả hoạt động của SCIC, liệu có phù hợp với thực tế? Để SCIC thực sự phát huy vai trò như mục tiêu đặt ra, cần phải tạo ra đột phá về cơ chế, nguồn lực của DN này. Trong đó, cơ chế phải theo hướng được tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về các hình thức, cách thức đầu tư. Muốn thế, bộ máy nhân sự phải đảm bảo đủ năng lực để đưa ra những quyết định quan trọng này. Để làm được như vậy, chế độ lương, thưởng phải đủ sức hấp dẫn người tài; đi kèm công khai, minh bạch nhằm đảm bảo sự giám sát của cơ quan quản lý, nhà đầu tư và xã hội. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.