Làm báo cùng Giao thông

“Sinh đồ ba quan” đời mới

30/09/2017, 09:39

Việc “đánh trống ghi tên, nộp tiền lấy bằng”, đa phần là cán bộ với mục đích thăng quan tiến chức...

10

Minh họa: Tuổi trẻ

Trong cuốn Lịch sử Việt Nam, sử gia Phan Huy Chú ghi: “Những người có thực tài, mười người thi không đậu một. Hạng “sinh đồ ba quan”… đầy cả thiên hạ. Người trên… lấy tiền mà không ngại, kẻ dưới nộp tiền để được mưu đồ mà không thẹn, làm cho trường thi thành chỗ buôn bán”.

Trường thi thời phong kiến có đám người dùng tiền mua bằng gọi là “sinh đồ ba quan”, nay buồn thay cũng không thiếu những loại sinh đồ đó, dân gian nói mỗi thời giá khác nhau đôi chút mà thôi.

Hơn chục năm qua, các trường đại học trong nước đua nhau liên kết với các viện, trường nước ngoài tổ chức đào tạo cấp bằng thạc sỹ, tiến sỹ. Có lớp không cần thi đầu vào cũng chả thi đầu ra, chỉ học 50 buổi qua phiên dịch, chỉ cần đóng vài nghìn USD/người là có bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh dán mác ngoại quốc. Có văn bằng được cấp sau những khóa học đào tạo từ xa, không được Bộ GD&ĐT công nhận nhưng vẫn được đính vào hồ sơ thăng quan tiến chức.

Le Thanh Phong

Nhà báo Lê Thanh Phong

Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, có cả nghìn người được cấp bằng thạc sỹ theo mô hình Đại học Quốc gia Hà Nội liên kết với Viện Quản trị kinh doanh Brussels (UBI) tổ chức. Nhưng qua ba đời Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, qua ba lần chất vấn ở nghị trường Quốc hội, từ ông Nguyễn Minh Hiển, Phạm Vũ Luận cho tới Phùng Xuân Nhạ vẫn không có câu trả lời cho dứt khoát đây có phải là bằng dỏm hay không. Bộ GD&ĐT lạ thay, vẫn dường như vô can trong việc mập mờ bằng cấp như hiện nay.

Quay trở lại việc “đánh trống ghi tên, nộp tiền lấy bằng”, đa phần là cán bộ với mục đích thăng quan tiến chức, dân thường chả mấy ai bỏ tiền mua bằng. Vậy thì tiền ai bỏ ra, của cá nhân hay cơ quan phải chi cho cán bộ lãnh đạo hợp thức hóa bằng cấp. Cần phải truy cho ra nguồn gốc và thu lại tiền.

Chỉ riêng Trường Southern California University for Professional Studies (SCUPS), năm 1999, 2000, 2011 hợp tác với ĐH Bách khoa Hà Nội đã cấp bằng cho 229 học viên.

Còn nhiều loại bằng tương tự, ghi vào trong hồ sơ nhưng qua biết bao nhiêu cửa xem xét, thẩm tra lý lịch, các loại bằng cấp này cũng vẫn được thừa nhận hoặc “im lặng” cho qua. Đến khi bung bét ra mới hay, vậy thì bao năm qua, tại sao hồ sơ bằng cấp của những lãnh đạo vừa được điểm mặt chỉ tên thiếu trung thực kia vẫn qua trót lọt các cửa thẩm tra? Trách nhiệm này ai nhận?

Trong cuốn Việt sử giai thoại, tác giả Nguyễn Khắc Thuần có lời bàn: “Dùng tiền để kiếm học vị, dùng học vị để kiếm chức và dùng chức để kiếm cách bòn rút thiên hạ, đó là con đường tất yếu của người có tiền mà thất đức”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.