Đường sắt đô thị Skytrain tại Thái Lan cũng mấp mô, lên xuống. |
Mới đây, liên quan đến thông tin phản ánh tuyến đường sắt trên cao đang xây dựng tại Hà Nội uốn lượn lên xuống gây xôn xao dư luận, bài viết “Vì sao đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông uốn lượn?” được đăng trên Báo Giao thông đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả.
Bài báo nêu ý kiến của ông Lê Văn Dương, Phó TGĐ Ban QLDA đường sắt giải thích về sự “uốn lượn” này. Theo đó, việc uốn lượn không bằng phẳng hoàn toàn nằm trong quy phạm thiết kế METRO GB50157, nhằm tối ưu hóa trong vận hành và khai thác đoàn tàu về mặt công năng, tiêu hao năng lượng.
Bình luận về thông tin này, bạn đọc Ngô T. bình luận: “Tôi đang sống ở Thái Lan, đường sắt đô thị Skytrain tại đây cũng mấp mô, lên xuống. Tôi nghĩ khi tàu vào ga, lên dốc, khi đó động năng sẽ chuyển sang thế năng, vận tốc giảm dần, đỡ phải hãm phanh. Khi rời khỏi ga, xuống dốc, thế năng chuyển trở thành động năng, tăng tốc độ nhanh mà không tốn nhiên liệu”.
Trong khi đó, bạn đọc P. Ngoan cho biết thêm: “TP Copenhagen, Đan Mạch đang xây dựng tuyến metro hoàn toàn ngầm, dài 16 km với 17 ga. Chi phí dự án này là 17 tỷ DKK (khoảng hơn 2,6 tỷ USD) và cũng ứng dụng kỹ thuật lúc tàu rời ga là xuống dốc, sắp đến ga là lên dốc để tiết kiệm năng lượng”.
Đồng tình với những ý kiến trên, bạn đọc Hồ Thế Hiệp so sánh vui: “Ngay cả ở Dubai, đường sắt đô thị hiện đại bậc nhất thế giới của họ cũng... nhấp nhô, nó thậm chí còn nhấp nhô hơn cả mái tóc bồng bềnh của Công Phượng trước đây, nên mọi người đừng quá lo lắng, họ phát triển đi trước nước ta cả thế kỷ cơ mà”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận