Theo đánh giá của Chính phủ, nhu cầu vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông thời gian tới rất lớn, cần chú trọng hình thức đầu tư PPP |
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về cơ chế hỗ trợ vốn nhà nước đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Kết luận nêu rõ: Để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và các quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong thời gian tới là rất lớn. Trong khi đó, nguồn lực từ các nguồn vốn nhà nước hạn hẹp, không đáp ứng nhu cầu, do đó việc thu hút nguồn lực từ xã hội đầu tư theo hình thức PPP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Để việc huy động nguồn vốn xã hội đạt hiệu quả cao cần có sự tham gia vốn của Nhà nước vào đầu tư xây dựng các công trình theo hình thức BOT nhằm giảm thời gian thu phí cũng như giảm giá phí hạ tầng, phù hợp với khả năng chi trả của người dân, đồng thời giảm chi phí đầu vào cho sản phẩm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và nền kinh tế.
Trong thời gian qua, hình thức đầu tư PPP (BOT, BT...) đã được triển khai mạnh mẽ. Tuy nhiên, quy mô các dự án đầu tư còn nhỏ; chưa tập trung đầu tư các công trình trọng điểm có sức lan tỏa lớn, hiệu quả kinh tế - xã hội chưa cao.
Để tạo ra sự đột phá về thu hút vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng trong thời gian tới, đặc biệt là hạ tầng giao thông, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục rà soát, lập danh mục các dự án ưu tiên đầu tư. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, chọn lọc các dự án ưu tiên (Bộ GTVT tập trung đầu tư đường cao tốc Bắc Nam), đề xuất nhu cầu vốn hỗ trợ của nhà nước.
Nguồn vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là nguồn quan trọng cho đầu tư phát triển hạ tầng, thiết lập nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước cho các dự án PPP. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục làm việc với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và các nhà tài trợ khác để xây dựng cơ chế huy động nguồn vốn ODA cho các dự án PPP, trên cơ sở tính toán khả năng giải ngân các hiệp định đã cam kết đến năm 2020 và mức tối đa có thể vay theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
Nhằm chủ động hơn trong triển khai các dự án PPP, thống nhất tiếp nhận khoản vay dự phòng của JICA dưới dạng khoản vay cho chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ ngành liên quan thực hiện vai trò cơ quan chủ quản chương trình, làm đầu mối theo dõi, tổng hợp, lựa chọn dự án... Ngoài nguồn hỗ trợ của nhà nước từ khoản vay của JICA nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính cần nghiên cứu các hình thức tham gia bằng nguồn vốn nhà nước vào các dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Báo cáo tổng hợp về cơ chế hỗ trợ vốn nhà nước đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP, lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 này, trong đó tập trung vào sự cần thiết có sự tham gia hỗ trợ vốn của nhà nước; danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong thời gian tới; nhu cầu vốn nhà nước cho hỗ trợ đầu tư các dự án ưu tiên trong tất cả các ngành, lĩnh vực; trong đó tập trung vào lĩnh vực giao thông; nguồn vốn hỗ trợ và cơ chế tổ chức thực hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận