Làm báo cùng Giao thông

Sự hời hợt làm ta tức giận?

08/12/2017, 07:05

Câu chuyện đánh trộm bị thương đến nỗi bị khởi tố tội giết người, đi tù khiến cộng đồng mạng chia ra hai phe...

9

Sự hời hợt làm ta tức giận? - Ảnh minh họa

Không ít người quay lưng lại những cuộc tranh luận nhưng lại lâm vào trạng thái bi phẫn với những lời bình luận (comments) hoặc bài viết (status) trên mạng xã hội đầy thất vọng: Ta đang sống ở chế độ nào đây? Sao xã hội bất công đến vậy?

Tôi dám chắc rằng trong số đám đông đang tranh luận hăng hái hay đau khổ phẫn nộ kia, có rất nhiều người chỉ đọc hết cái tít của một bài báo. Họ cũng không hề chịu kiếm cho mình đủ thông tin trước khi hào phóng ban ra những lời cảm thán hay phán xét trên mạng xã hội.

Hãy lấy ví dụ điển hình là câu chuyện ứng phó thế nào khi trộm đột nhập đang nóng bỏng trên các diễn đàn. Hẳn nhiên, khi các cơ quan hành pháp, tư pháp đưa sự việc ra tòa, họ đã có những chứng cứ cho thấy chủ nhà đã ra tay quá mức cần thiết khi kẻ trộm thúc thủ.

Không ai phủ nhận quyền đánh phủ đầu của chủ nhà với trộm đột nhập, để vô hiệu hóa hành vi tấn công của trộm. Nhưng tiếp tục đánh đập sau khi đã bắt, trói hoặc vô hiệu hóa được trộm thì chủ nhà có thể vướng vào vòng lao lý.

Hay chuyện vài ngày trước, người đứng đầu Quốc hội đi tiếp xúc cử tri. Khi được hỏi về những bất cập của BOT, bà nói làm BOT là chủ trương đúng đắn, nhưng khi thực hiện có một số dự án còn một số sai sót, cần kiểm tra, điều chỉnh… Chỉ ngày hôm sau, trên mạng xã hội đã xuất hiện bức ảnh bóp méo câu nói của bà thành “BOT Cai Lậy không sai, chỉ là làm chưa đúng”. Rõ ràng, nếu không tiếp xúc được thông tin gốc, những thông tin sai lệch như vậy có thể tạo nên những bức xúc trong dư luận.

Có nhiều người tự ti cho rằng vấn nạn tin giả, tin sai sự thật là “đặc sản” riêng của Việt Nam. Nhưng thực ra đây là vấn nạn toàn cầu. Trong một buổi trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp Việt Nam do Hội Nhà báo tổ chức, các nhà báo Thụy Điển khẳng định họ thực sự đau đầu với nạn tin giả ngày một gia tăng. Thậm chí, một nữ nhà báo nổi tiếng của Thụy Điển còn đưa ra lời khuyên: “Để có một cơ thể khỏe mạnh, ta phải lựa chọn thức ăn; để có một tinh thần khỏe mạnh, phải “ăn kiêng” khi dùng internet”.

Nữ đồng nghiệp dùng từ “ăn kiêng” để nói đến sự lựa chọn, tự phòng vệ cần thiết của người đọc trước nguồn thông tin khổng lồ trên internet. Còn tôi cho rằng, chính sự hời hợt trong tiếp cận và kiểm chứng thông tin mới là nguyên nhân khiến chúng ta tức giận và bị mạng xã hội làm tổn thương mỗi ngày.

Không ai cấm chúng ta tự kiểm duyệt mình trước khi hấp thu và sản sinh ra những cảm xúc tiêu cực. Cũng không ai cấm chúng ta dùng đến não của mình trước khi chia sẻ, tiếp tay tin giả hay bình luận vô căn cứ, xúc phạm người khác trên mạng xã hội.

Không ai cấm, chỉ là chúng ta có chịu làm không mà thôi.

Hãy dừng lại sự hời hợt trước khi làm chính ta bị tổn thương hay vướng vào những rắc rối không đáng có.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.