Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu |
Thường vụ Quốc hội vừa cho ý kiến đối với Tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Đường sắt (sửa đổi). Đa phần các ý kiến đều đánh giá cao sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo, đồng thời cho rằng dự thảo Luật được chuẩn bị đầy đủ và có thể đưa ra trình Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu:
Cơ bản sửa đổi toàn diện Luật Đường sắt năm 2005
Tôi cho rằng, dự thảo Luật lần này được chuẩn bị khá tốt, cơ bản sửa đổi toàn diện Luật Đường sắt năm 2005 với mục tiêu giải quyết hết những bất cập, tồn tại để phát triển đường sắt đồng bộ, hiện đại, không phá chiến lược.
Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm, quy định rõ hơn nữa các vấn đề để thi hành. Ngay cả chính sách, mình cứ nói có cơ chế ưu đãi, khuyến khích rồi. Tuy nhiên, tôi lại thấy giờ chúng ta đang đi theo hướng trở lại hành chính bao cấp tập trung, lĩnh vực nào cũng có dáng dấp của Nhà nước. Những vấn đề ưu đãi cũng chưa được nói rõ trong luật. Cũng phải tính đến nguồn lực nào để tạo ra các cơ chế ưu đãi đó.
Ngoài ra, về đường sắt tốc độ cao cũng phải quy định trong luật. Ví dụ về công nghệ, yêu cầu kỹ thuật dự thảo Luật chưa nói rõ. Yếu tố về an toàn, quốc phòng an ninh cũng chỉ nói rất chung chung. Đường sắt tốc độ cao đúng là cần đặt ra nhưng phải tính đến hiệu quả đầu tư.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ:
Cần cơ chế khuyến khích, ưu tiên đủ mạnh để đường sắt phát triển
Sự chuẩn bị của cơ quan soạn thảo trong dự thảo Luật khá tốt, có thể đưa ra trình Quốc hội. Dù vậy, về tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, cần nghiên cứu, rà soát thêm để thống nhất với các luật khác như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật thuế, phí.
Về quy hoạch, điều 7 dự thảo Luật dành một mục quy định về quy hoạch, đây là vấn đề rất quan trọng vì những tồn tại, hạn chế lâu nay của ngành Đường sắt là do quy hoạch chưa chặt chẽ, nội dung về hiệu quả còn chung chung, nên trong luật cần có mục riêng quy định vấn đề này.
Chương 6 về kinh doanh đường sắt có thể coi là nội dung cốt lõi. Luật Đường sắt 2005 quy định rất rõ, tách bạch về kinh doanh hạ tầng và kinh doanh vận tải đường sắt. Tuy nhiên, qua tổng kết, hoạt động kinh doanh hầu như chưa thay đổi, hiệu quả thấp, vậy lý do ở đâu, do cơ chế hay do cách thức tổ chức, cần rà soát tạo ra bước đột phá; Cần có cơ chế khuyến khích, ưu tiên đủ mạnh để đường sắt phát triển.
Về đường sắt tốc độ cao, dự thảo Luật đã dành hẳn một chương quy định nhưng mới chỉ chung chung. Cần cụ thể vì tương lai sớm muộn cũng phải phát triển, nên đưa đường sắt tốc độ cao và đường tàu điện ngầm vào đây. Luật nên tính trước vì các nước phát triển mạnh rồi mà ta chưa có gì cả, sau này có điều kiện nghiên cứu thì làm, còn trong luật nên có để có cơ sở pháp lý.
|
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến:
Đánh giá toàn diện hiệu quả đầu tư vào đường sắt
Tôi cho rằng, cần đánh giá, làm rõ thêm nguyên nhân đường sắt còn phát triển hạn chế, yếu kém. Cần làm rõ có hay không do Luật Đường sắt 2005 chưa hoàn thiện, còn hạn chế hay do việc triển khai luật chưa tốt, luật chưa đi vào cuộc sống. Làm rõ điều này để bổ sung, sửa đổi vào luật mới, khắc phục được hạn chế của luật cũ.
Luật cũng cần đánh giá toàn diện về hiệu quả đầu tư vào đường sắt so với các loại hình khác. Việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư vào đường sắt so với các loại hình khác có hấp dẫn không? Luật cần khẳng định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của ngành Đường sắt cũng như phát triển đường sắt trong mối quan hệ với đường hàng không, đường bộ, đường thủy… để từ đó tính thứ tự ưu tiên và có chiến lược phát triển đường sắt rõ ràng. Vì thực tế hiện nay, thị phần vận chuyển hàng hóa qua đường sắt rất thấp, số công nhân trên 1km đường sắt cao gấp ba lần Thái Lan, năm lần Nhật Bản.
Về tiềm năng, chính sách phát triển, cần bổ sung thêm việc Nhà nước khuyến khích, hỗ trợ, có chính sách ưu đãi phát triển đường sắt ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao, miền núi. Vì hầu hết các tỉnh miền núi chỉ có đường bộ mà không có đường thủy, đường hàng không, trong khi vị trí của những nơi này lại rất quan trọng về an ninh - quốc phòng. Đây cũng là nơi cần phải tạo điều kiện phát triển kinh tế theo định hướng của Đảng và Nhà nước.
|
Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh:
Đường sắt có thể cạnh tranh với các loại hình vận tải khác
Lâu nay, việc huy động nguồn lực đầu tư vào đường sắt thường khó hơn so với các lĩnh vực vận tải khác nên phải có chính sách ưu đãi để đường sắt có thể cạnh tranh được trong thời gian tới.
Tôi kỳ vọng tới đây, đường sắt sẽ có xu hướng phát triển khi chúng ta tập trung đầu tư hiệu quả hơn, khi ấy nó sẽ cạnh tranh sòng phẳng được với các loại hình khác, thị phần cũng từ đó tăng lên. Trong dự thảo Luật, các chính sách ưu đãi với đường sắt chưa toát lên được.
Nguyên tắc quy hoạch phát triển giao thông đường sắt là cần quan tâm đến liên kết với các vùng kinh tế trọng điểm, bởi sau này lưu lượng hàng hóa cũng như hành khách ở đây rất nhiều. Việc kết nối với các vùng cần được quan tâm hơn trong công tác quy hoạch. Về hoạt động kinh doanh đường sắt, có ba loại hình kinh doanh nhưng trong dự thảo Luật mới quy định hai loại hình là kinh doanh đường sắt và kinh doanh kết cấu hạ tầng. Còn kinh doanh đô thị chưa có quy định, đề nghị quy định vào đây.
|
Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi:
Quá trình xây dựng rất công phu, cẩn trọng
Sau khi Luật Đường sắt (sửa đổi) được đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, từ năm 2015, Bộ GTVT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện nhiều hoạt động nhằm xây dựng được dự thảo Luật khả thi nhất.
Bộ GTVT đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập Luật Đường sắt (sửa đổi) gồm đại diện của nhiều Bộ, ban, ngành; Tổ chức bốn cuộc lấy ý kiến các đơn vị quản lý, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trực thuộc Bộ GTVT về nội dung dự thảo Luật Đường sắt sửa đổi; Tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp trong và ngoài lĩnh vực đường sắt trên toàn quốc về nội dung dự thảo Luật trong quá trình soạn thảo; Gửi dự thảo xin ý kiến của 112 cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm 63 tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành liên quan. Bộ GTVT chỉ đạo tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, địa phương trước khi trình Chính phủ hồ sơ dự thảo Luật Đường sắt.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 6/2016, sau khi các thành viên Chính phủ có ý kiến góp ý cho hồ sơ dự thảo Luật Đường sắt, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban soạn thảo và Tổ biên tập dự án Luật nghiên cứu tiếp thu, giải trình và hoàn thiện báo cáo Chính phủ trước khi trình Quốc hội.
Để phục vụ việc sửa đổi Luật Đường sắt 2005, Cục Đường sắt VN đã tổ chức thực hiện cẩn trọng, nghiêm túc nhiều công việc: Tổ chức một đợt khảo sát thực tế hoạt động đường sắt của các doanh nghiệp đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng trên toàn quốc từ năm 2014; Tổ chức khảo sát nghiên cứu, biên dịch tài liệu liên quan đến quản lý hoạt động đường sắt của một số nước trên thế giới có đường sắt phát triển và điều kiện tương tự Việt Nam; Đánh giá và báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Đường sắt 2005, báo cáo Bộ GTVT và tổ chức nhiều buổi thảo luận với các chủ thể liên quan. Trực tiếp biên soạn dự thảo và các hồ sơ liên quan đến dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) trong suốt quá trình xây dựng, tiếp thu giải trình một cách nghiêm túc.
Có thể nói, quá trình xây dựng dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đã được Bộ GTVT và các cơ quan chức năng thực hiện cẩn trọng, nghiên cứu kĩ lưỡng và chỉnh sửa, bổ sung một cách chi tiết trong suốt hai năm qua nhằm tạo lập được hành lang pháp lý quan trọng để phát triển đường sắt cũng như góp phần tích cực cho việc khắc phục các tồn tại, yếu kém của lĩnh vực đường sắt.
Chúng tôi đang tích cực phối hợp với các chủ thể liên quan nghiên cứu kỹ các nội dung góp ý kiến, những vấn đề còn băn khoăn trước khi trình kỳ họp Quốc hội vào tháng tới của các ủy viên Thường vụ Quốc hội, nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội để giải trình, hoàn thiện phương án tiếp thu, giải trình dự án Luật Đường sắt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận