Thế giới

Syria về đâu sau vụ liên quân không kích nhầm?

19/09/2016, 06:25
image

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải triệu tập họp khẩn cấp ngày 18/9 giữa lúc căng thẳng Moscow và Washington leo thang.

Syria
Cuộc nội chiến Syria đã bước sang năm thứ 6 khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phải triệu tập họp khẩn cấp ngày 18/9 giữa lúc căng thẳng Moscow và Washington leo thang. Vụ việc cũng được cho là đẩy cuộc nội chiến Syria quay trở lại điểm xuất phát.

Lấy làm tiếc và rút kinh nghiệm

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga bày tỏ quan ngại sau khi có thông tin 62 binh sĩ Syria thiệt mạng và 100 người khác bị thương trong các vụ không kích thực hiện bởi liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Syria. Phía Nga còn cho biết cụ thể, các vụ không kích do hai máy bay F-16 và hai máy bay A-10, xuất phát từ biên giới Syria-Iraq thực hiện.

Theo truyền thông Syria, khoảng 17h (giờ địa phương) ngày 17/9, liên quân do Mỹ dẫn đầu đã không kích một vị trí của quân đội Syria ở khu vực Jebel Tharda, gần Sân bay Deir al-Zor khiến nhiều binh sĩ Syria thiệt mạng.

Bộ Quốc phòng Mỹ thừa nhận, việc lực lượng liên quân do nước này đứng đầu chống IS ở Syria có thể đã tiến hành các cuộc không kích nhầm vào vị trí của quân đội Syria. Tuy nhiên, liên quân đã ngừng các cuộc không kích sau khi có thông tin cho rằng, thay vì không kích Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở phía Đông Bắc Syria, liên quân lại không kích vào các lực lượng quân sự Syria.

“Lực lượng liên minh không cố tình không kích vào vị trí quân đội Syria. Liên minh sẽ xem xét lại các đợt không kích và bối cảnh để rút ra bài học”, thông báo của Lầu Năm Góc nêu rõ. Trong một tuyên bố gửi qua email với Reuters, một quan chức chính quyền Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc bày tỏ “rất lấy làm tiếc” vì sự mất mát không cố ý nói trên.

Nga-Mỹ vẫn “hục hặc”, lối ra nào cho nội chiến Syria?

Ngay sau vụ không kích trên, 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phải nhóm họp khẩn cấp tối cùng ngày để thảo luận vụ việc, trong đó, Mỹ bị cáo buộc là đã phá vỡ thỏa thuận Syria.

Giới quan sát cho rằng, đằng sau chính trường Syria, một “cuộc chiến ngầm” khác giữa Nga và Mỹ đang tiếp tục tái diễn. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Samantha Power tuyên bố: “Những gì Nga cần làm hiện nay là ngăn chặn các tình huống nguy hiểm và tập trung vào các vấn đề quan trọng. Về phần mình, chúng tôi đang điều tra thêm vụ không kích vừa qua và nếu thực sự, chúng tôi đã tấn công các binh sĩ quân đội Syria, đó không phải là do chúng tôi cố ý và tất nhiên chúng tôi rất hối tiếc về sự mất mát này”. Trong khi đó, trả lời câu hỏi rằng vụ việc có gây ảnh hưởng tới thỏa thuận Syria giữa Moscow và Washington hay không, đại sứ Nga Vitaly Churkin nói rất ngắn gọn: “Đó là một câu hỏi lớn”.

Hãng thông tấn RIA Novosti dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova: “Chúng tôi đang tìm ra một bí mật có thể khiến thế giới khiếp sợ. Đó là Nhà Trắng đang bảo vệ tổ chức IS và có thể không nghi ngờ gì về điều đó nữa”. Bà Zakharova còn cho rằng, sự việc “không kích nhầm” của liên quân do Mỹ dẫn đầu sẽ hủy hoại thỏa thuận ngừng bắn tại Syria mà Mỹ - Nga mới đạt được. Ngay sau đó, bà Power cho rằng, tuyên bố của bà Zakharova là những lời đáng xấu hổ, bởi không có bằng chứng cụ thể nào cho thấy Mỹ đang “thông đồng” với các chiến binh IS.

Thế nên, giới quan sát nhận định, thỏa thuận ngừng bắn giữa Nga và Mỹ mới đạt được tại Syria hồi tuần trước là nỗ lực rõ rệt nhằm kiến tạo hòa bình cho quốc gia này; Nhưng hiện lại rơi vào “mớ bòng bong” của những hành vi vi phạm lệnh ngừng bắn giữa các bên. Chưa kể, những nỗ lực nhằm viện trợ nhân đạo cho các khu vực bị bao vây ở Syria sẽ tiếp tục thất bại.

“Cuộc chiến Syria đã bước sang năm thứ 6 liên tiếp, hàng trăm nghìn người thiệt mạng và một nửa dân số Syria đã phải rời bỏ nhà cửa, theo Liên hợp quốc. Đây cũng bị xem là gốc rễ của một cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Trung Đông và cuộc di cư khổng lồ tới châu Âu, “cảm hứng” cho làn sóng tấn công thánh chiến khắp nơi trên thế giới”, Reuters viết.

Tình hình Syria thời điểm hiện tại cũng là “cái cớ” để các bên lún sâu vào những bế tắc, như một thủ lĩnh cấp cao quân nổi dậy ở Aleppo nói: “Các thỏa thuận ngừng bắn, như chúng tôi đã cảnh báo sẽ không cầm cự được bao lâu”. Phiến quân trước đó cáo buộc Nga sử dụng lệnh ngừng bắn để củng cố sự hiện diện của mình tại Syria. Còn Zakariya Malahifji - một thủ lĩnh nổi dậy khác ở Aleppo nói: “Chẳng khác gì đâu!” khi nhận định về tình hình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.