Bà Giáp Thị Thanh Tiến là nữ TNXP đứng đầu tiên bên trái đang nở nụ cười, kề vai làm cầu đưa đồng đội qua suối. Ảnh: Phạm Thính |
Tài sản là sách báo cũ
Căn gác nhỏ chỉ vài chục m2 của vợ chồng ông Phạm Thính nằm ở tầng 1 khu chung cư số 218 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP HCM. Bước vào nhà, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi khi tận mắt chứng kiến cuộc sống hiu quạnh của vợ chồng ông. Trong căn gác chật chội, tuyệt nhiên không có tài sản nào đáng giá. Mở đầu câu chuyện, ông nói: “Nhà tôi chẳng có gì quý ngoài những cuốn sách và những tờ báo cũ…”.
Vừa tiếp chuyện với chúng tôi, ông Thính vừa xếp lại những tờ báo cũ rồi lấy dây cột lại cẩn thận thành chồng: “Tôi đang thu gọn những tờ báo cũ để cuối tháng mấy em thanh niên của phường sang lấy đi ủng hộ làm quỹ cho người nghèo”. Rồi ông chỉ vào những tờ báo vừa được cắt góc: “Còn kia là mấy bài thuốc chữa bệnh bằng Đông y tôi vừa lọc ra để dành khi ai bị bệnh thì photocopy cho mọi người đọc biết cách để chữa trị…”.
Rồi ông bảo, để có được hơn hai trăm bài thuốc Đông y trị các bệnh như ngày hôm nay, ông phải mất mấy chục năm trời. Xung quanh đây cũng nhiều người lớn tuổi đang sinh sống. Nghe ai nói bệnh thì tôi hỏi thêm cho rõ rồi về tìm, nếu có thì chụp lại bài báo đưa cho họ. Bản thân tôi cũng nhiều bệnh nên tôi thử nghiệm trước các bài thuốc Đông y này…”.
Một lần suýt chết
Ông Phạm Thính. |
Suốt gần nửa buổi chiều, ông Thính vừa chăm sóc vợ bệnh vừa kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc (cùng đoàn với 300 thanh niên miền Nam từ Cà Mau đến Quảng Ngãi) học tại trường THPT cấp 3 Hà Nội, sau chuyển thành trường THPT Nguyễn Trãi. Năm 1958, ông tốt nghiệp rồi xin nhập ngũ làm trinh sát pháo binh thuộc Đại đội 8, Tiểu đoàn 12, Trung đoàn 4, Sư đoàn 330. Năm 1960, ông trở về học khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp đến năm 1963, ông tốt nghiệp về làm việc tại TTXVN với vai trò PV chiến trường. Năm 1964, ông được cử vào “tác chiến” tại Trung ương Cục miền Nam. “Từ Hà Nội vào phải mất 6 tháng hành quân trong rừng tôi mới đến được chiến trường miền Đông Nam bộ và một số tỉnh trong đó có Tây Ninh”, ông Thính nhớ lại.
Nhà nhiếp ảnh Phạm Thính tên thật là Phạm Văn Thính (SN 1935 tại Quảng Ngãi). Trong quá trình hoạt động cách mạng, ông được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba. Ngoài ra, ông được nhận Kỷ niệm chương của Ban Tuyên huấn T.Ư, Thông tấn xã Giải phóng, TTXVN và gần đây nhất là Kỷ niệm chương của Bộ GTVT về bức ảnh “Cầu người”. |
Tại chiến trường Tây Ninh, có lần ông chết hụt dưới làn pháo đạn của địch. Ngày ấy, là PV chiến trường nên ngoài việc mang theo máy móc và dụng cụ tác nghiệp, ông còn mang theo một quả lựu đạn cùng một khẩu súng AK để hỗ trợ cho bộ đội. Trong một lần tác nghiệp, ông chạy men theo một gốc cây vú sữa lớn để chụp cảnh chiếc máy bay địch đang thả hàng loạt bom xuống đất. “Tôi đang say sưa chụp ảnh thì địch phát hiện bắn một quả pháo xuống đúng nơi tôi đang đứng. Tôi nghe một tiếng nổ chát chúa, đinh tai nhức óc ngay trên đầu và sau đó không còn biết gì nữa.
Hơn 15 phút sau khi tỉnh dậy, tôi mở mắt ra nhìn thì thấy trên đầu trống không, cả ngọn cây vú sữa lớn đã bị pháo của địch bắn bay đi đâu mất chỉ còn trơ một phần gốc nơi tôi đang nằm. Tuy không chết nhưng do bị lực ép của pháo khiến người tôi không thể cử động và các chiến sĩ phải đưa tôi về cứ điều trị mất một tháng mới hồi phục”, ông kể.
Khoảnh khắc chụp bức ảnh “Cầu người”
Khi chúng tôi hỏi về lai lịch bức ảnh “Cầu người”, ông cười tươi và cho rằng đó là một khoảnh khắc nhất thời: “Nhiệm vụ của chúng tôi là PV chiến trường đi hành quân cùng bộ đội. Họ đánh giặc còn chúng tôi tác nghiệp. Sau chiến dịch Mậu Thân, tôi với đơn vị bộ đội thuộc Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 hành quân qua chiến khu D thì tôi thấy các TNXP đang chuyển thương binh về cứ nhưng trước mặt là con suối với dòng nước lớn chảy siết... Thương binh bị thương, họ đau đớn lắm, nếu để nước vào thì khác gì họ bị thương lần nữa.
Lúc đó, tôi thấy phía trước mọi người đang ồn ào trong khi tứ phía là tiếng bom đạn đang trút xuống nổ dồn dập. Tôi chạy lên phía trước xem chuyện gì thì thấy các TNXP đang rút cầu, rút ván lội xuống suối và trong chốc lát chiếc cầu đã hình thành”.
Nữ đội trưởng đội TNXP bắt đầu đi lên trên kiểm tra độ an toàn, ngay lập tức ông bấm máy chụp khi chiếc cáng đầu tiên được đưa qua suối trên vai các TNXP. “Lúc nhìn thấy chiếc cầu được hình thành, tôi nghĩ đây sẽ là một bức ảnh đẹp và theo phản xạ, tôi lấy máy ra chụp bốn góc máy khác nhau rồi lên đường hành quân tiếp.
Đến tối, khi về đến đơn vị, xuống hầm cầm đèn pin ra rửa phim tôi mới thấy được ý nghĩa của bức ảnh vô cùng lớn bởi tính nhân văn rất cao”, ông Thính nói và cho rằng, đó là sự hy sinh của các chiến sĩ dành cho nhau, đặc biệt là các nữ TNXP. Bình thường họ kham khổ, ăn uống thiếu thốn như thế nhưng khi có việc thì họ sẽ làm việc hết tinh thần, dốc toàn bộ sức lực để hoàn thành nhiệm vụ.
Sau khi rửa xong bức ảnh, ông chỉ chọn được một bức ảnh đẹp nhất rồi kẹp phim, ghi chú thích gửi ra cơ quan ngoài Hà Nội. Khi gửi bức ảnh đi, ông đặt tên “Tuổi 20 trong chiến tranh” cùng chú thích: “TNXP chiến khu D, Tây Ninh dùng ván cũ của nhà kho hậu cần làm cầu bắc trên vai, chuyển thương binh vượt suối Nhum trong chiến dịch Mậu Thân 1968”. Nhưng khi ra đến Hà Nội, Ban biên tập đã đổi tên thành “Cầu người”.
Sau khi chụp bức ảnh, phải đến 40 năm sau là năm 2008 khi Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức triển lãm “Phụ nữ Sài Gòn - Gia Định trong năm Mậu Thân 1968”, ông được Ban tổ chức mời lên dự rồi giới thiệu với nữ TNXP, nhân vật chính trong bức ảnh “Cầu người”. “Khi đó tôi mới biết người trong bức ảnh là Giáp Thị Thanh Tiến và cũng đã quá lâu nên tôi không nhận ra nhân vật trong bức ảnh của mình. Vì khi tôi chụp nhân vật của mình chỉ là cô gái 18, đôi mươi còn sau khi gặp lại thì người ấy đã lên chức bà với mái tóc nhuộm màu thời gian. Gặp lại nhân vật trong bức ảnh, biết họ còn sống, niềm vui ấy khó diễn tả thành lời…”, ông Thính xúc động.
Quạnh hiu tuổi già
Rót ly nước đưa cho vợ, giọng ông Thính bỗng trầm xuống khi kể về chuyện tình của mình. Năm 1972, khi ông đang là B Phó B23 Trường Báo chí thông tấn chuyên dạy về ảnh, vợ ông là một cô gái quê Bình Thuận được cử sang học làm PV. Sau cuộc gặp định mệnh ấy, ông và bà đã bén duyên nhau đến khi bà tốt nghiệp ra trường hai người đã nên duyên vợ chồng.
Năm 1973, vợ ông sinh một người con trai nhưng được khoảng 20 ngày thì qua đời. Hai lần sau đó vợ ông tiếp tục mang thai nhưng cũng gần đến ngày sinh thì bị mất. “Khi đó chẳng ai biết chất độc da cam là gì. Chỉ thấy con sinh ra yếu và mất thì thôi chứ hai vợ chồng tôi chỉ biết động viên nhau và bà ấy là người chịu tổn thương nhiều nhất. Di chứng đó vợ tôi còn mang cho đến tận hôm nay…”, kể đến đây, ông rưng rưng nước mắt.
Chúng tôi cùng im lặng một hồi thì vợ ông cất tiếng gọi. Như một người đang chìm vào trong quá khứ bị gọi giật lại về với thực tại, ông vội vàng chạy đến giường xem bà nói gì rồi quay lại, giọng ngậm ngùi: “Bà nhà tôi đang bệnh, cả tôi và bà ấy đều bị ảnh hưởng chất độc màu da cam và các di chứng khác của chiến tranh để lại nên rất nhiều bệnh. Bà ấy còn bị bệnh tim nữa nên cũng rất hay mệt. Tuần nào tôi cũng đưa bà ấy vào bệnh viện khám bệnh. Vì không có con cái nên hai vợ chồng phải tự chăm sóc, tự lo cho nhau lúc đau ốm…”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận