Sau mổ cấp cứu đau bụng cấp, PGS. Nguyễn Thị Minh Thái mới biết mình bị ung thư đại tràng. |
Chữa ung thư vẫn đi làm bình thường
Tại buổi trao đổi với sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn về vấn đề “Ung thư, ghép tạng và những thách thức với truyền thông y tế” mới đây, PGS. Nguyễn Thị Minh Thái (Học viện Báo chí và tuyên truyền) đã chia sẻ về câu chuyện điều trị ung thư của mình. Bà Thái cho biết khi bà bị đau bụng, cấp cứu tại BV Việt Đức, sau mổ cấp cứu bà mới biết mình bị ung thư đại tràng.
Khi lên bàn mổ bà vẫn chưa hề được thông báo về bệnh tình, tuy nhiên, chỉ đến khi kết thúc ca mổ bà mới được thông báo “mắc ung thư đại tràng và đã nạo vét sạch u, cần tiếp tục điều trị hóa chất”.
Theo chia sẻ của bà Thái, khi xuống Bệnh viện K, bác sĩ không thể điều trị cho bà vì vừa hậu phẫu, hóa trị và thêm tiểu đường, bà được bác sĩ khuyên về uống thuốc. Bà về và uống thuốc đến tháng thứ 4. “Sau đó, tôi điều trị hóa trị 12 đợt. Trong suốt đợt điều trị vừa tiêm thuốc và đeo thuốc tôi vẫn vừa đi làm, tham gia sự kiện như lên chương trình Giai điệu tự hào, mà không ai hay biết”, PGS. Thái kể lại.
Là bệnh nhân ung thư, PGS Thái cho rằng, bệnh ung thư cần phải được kiểm soát và những người bị bệnh phải được giải thích và điều trị tử tế. “BS. Trịnh Hồng Sơn điều trị cho tôi có nói bệnh ung thư là bệnh 50/50, tức 50 là tinh thần, 50 là thể chất. Nhưng với tôi, tôi chọn 60 tinh thần”.
GS. Trịnh Hồng Sơn cũng cho biết, PGS. Nguyễn Thị Minh Thái bị ung thư biểu mô tuyến đại tràng và đã làm phẫu thuật điều trị. Tại Việt Nam bệnh nhân phát hiện ung thư đại trực tràng giống như PGS Thái không phải hiếm, chỉ đến khi tắc ruột, đau bụng mổ cấp cứu mới phát hiện ra ung thư.
“Có những bệnh nhân bị ung thư đại trực tràng, khi mổ ra nạo đi hơn 400 hạch trong bụng. Việc thường xuyên nội soi, kiểm tra đại trực tràng sau tuổi 40 rất quan trọng để phát hiện sớm bệnh”, ông Sơn cho biết.
Đừng coi thường rối loạn tiêu hóa
Theo BS. Nguyễn Thị Lan, chuyên khoa Tiêu hóa, BV Đa khoa Medlatec, bệnh ung thư đại trực tràng biểu hiện ở tất cả những gì có rối loạn về đường tiêu hóa từ trên miệng xuống hậu môn. Vì thế việc hay bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài hay rặn, hôm táo, hôm lỏng, có khi kèm theo máu nhầy, uống thuốc kháng sinh kéo dài không khỏi…. , đừng nghĩ là chuyện xoàng.
Chính vì vậy khí có những dấu hiệu sau cần thăm khám để loại trừ, phát hiện bệnh sớm nếu có. Điển hình như: việc bài tiết phân lúc táo, lúc lỏng thất thường và kéo dài; Đi đại tiện hay rặn, phân lầy nhày mũi máu; Uống thuốc kháng sinh không khỏi; Đau quặn bụng, gầy sút… Khi ung thư muộn thì có người sờ thấy cả khối u nổi ở dưới da bụng. Theo BS. Lan, thực tế, để phát hiện ung thư đại trực tràng khi thăm khám không khó khăn, bác sĩ chỉ cần thăm khám bằng tay, chưa cần đến các biện pháp thụt hay soi đã có thể có kết luận bệnh.
Ung thư đại trực tràng nếu phát hiện sớm, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt bỏ khối u, kèm theo hóa, xạ trị theo phác đồ của bác sĩ. Nếu đáp ứng điều trị, hiện tỷ lệ bệnh nhân tái phát bệnh trong 1 năm đầu chỉ còn 11%. Nhiều bệnh nhân đã sống khỏe mạnh hơn 20 năm sau khi phát hiện bệnh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận