Quản lý

Tách quản lý với kinh doanh để đường sắt phát triển

13/09/2016, 05:58

Chiều 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 3, cho ý kiến đối với Tờ trình của Chính phủ...

1

Luật Đường sắt (sửa đổi) sẽ tách bạch giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng với kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư - Ảnh: Ngô Vinh

Giao thông đường sắt bộc lộ nhiều bất cập

Trình bày tờ trình, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Luật Đường sắt được sửa đổi trên quan điểm bổ sung thay thế các nội dung không phù hợp, cản trở và gây hạn chế sự phát triển của lĩnh vực GTVT đường sắt; Tạo bước đột phá phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; Tạo cơ chế mở để thu hút các nguồn lực ngoài xã hội đầu tư kinh doanh đường sắt, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước; Tách bạch giữa chức năng quản lý Nhà nước của cơ quan Nhà nước với hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN; giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng với kinh doanh vận tải trên đường sắt do Nhà nước đầu tư...

Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) bao gồm 9 chương, 95 điều, trong đó giữ nguyên 4/114 điều, sửa đổi, bổ sung 65/114 điều, bãi bỏ 45/114 điều, bổ sung mới 26 điều.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết, dù đóng vai trò quan trọng, nhưng đến nay, giao thông đường sắt đã bộc lộ nhiều bất cập. Kết cấu hạ tầng đường sắt lạc hậu, xuống cấp, phần lớn đầu tư từ hơn trăm năm trước. Đặc biệt, tỷ trọng đầu tư cho hạ tầng ngành Đường sắt so với các loại hình giao thông khác là rất thấp (vốn đầu tư cho đường sắt năm 2010 chỉ chiếm 2,51% so với toàn ngành GTVT). Sản lượng vận tải hàng hóa ngành Đường sắt so với toàn ngành giao thông trong những năm gần đây giảm dần, không đạt mục tiêu đề ra. Hệ thống đường sắt chưa được kết nối hài hòa với các loại hình giao thông khác để tạo nên một mạng lưới đồng bộ. Quản lý, quản trị giao thông đường sắt không còn phù hợp với cơ chế mới, cồng kềnh, thiếu khoa học, chưa được thị trường hóa, chưa huy động được các nguồn lực đầu tư… Vì những lẽ đó, cơ quan thẩm tra thấy rằng, việc sửa đổi Luật Đường sắt là rất cần thiết, không thể chậm trễ hơn.

2
Luật Đường sắt (sửa đổi) sẽ tạo điều kiện để hút vốn đầu tư phát triển hạ tầng đường sắt - Ảnh: Ngô Vinh

Sớm trình chủ trương xây đường sắt tốc độ cao

Cho ý kiến vào Tờ trình, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng ủng hộ quan điểm, phải có đường sắt tốc độ cao nhưng tỏ ra băn khoăn về kinh phí đầu tư và tính hiệu quả. “Đường sắt tốc độ cao có thu hút được hành khách không, có cạnh tranh nổi với các dịch vụ vận tải khác, đặc biệt với ngành Hàng không? Từ trước đến nay, đường sắt đã có đoạn nào tư nhân hoá chưa, hiệu quả thế nào?”, bà Phóng đặt câu hỏi.

Giải đáp những băn khoăn trên, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện chưa có tuyến đường sắt nào tư nhân đầu tư, kể cả kêu gọi đầu tư hay cho thuê. “Tất cả 3.143km đường sắt đang được giao cho TCT Đường sắt VN quản lý và khai thác. Hiện, ngành đang hướng tới có một số đoạn tuyến ngắn chủ yếu phục vụ du lịch sẽ lập đề án cho thuê hay nhượng quyền khai thác trong một thời gian nhất định”, Thứ trưởng Đông thông tin.

Liên quan đến việc xây đường sắt tốc độ cao, Thứ trưởng Đông cho biết, năm 2010, chủ trương đầu tư đã được Chính phủ trình Quốc hội nhưng chưa được thông qua. Quốc hội khi đó đã yêu cầu cập nhật và làm rõ một số nội dung, đặc biệt hiệu quả dự án, lộ trình đầu tư và phương án huy động nguồn lực, trong đó nói rõ phần nào của Nhà nước, phần nào tư nhân có thể tham gia được. Chính phủ đã giao Bộ GTVT tiếp tục cập nhật nghiên cứu tiền khả thi. Gần đây, Bộ GTVT đã báo cáo lên Chính phủ kiến nghị về lộ trình, phấn đấu đến năm 2018, Bộ sẽ trình để Chính phủ thẩm định lại, nếu được sẽ trình lên Quốc hội, phấn đấu thông qua chủ trương đầu tư trước năm 2020. Theo lộ trình của Bộ GTVT, phù hợp với quy hoạch chiến lược mà Thủ tướng đã phê duyệt, dự kiến đến năm 2050 cơ bản hoàn thành xây dựng xong toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - TP.HCM. “Ngay cả khi việc cải tạo đường sắt nâng tốc độ lên 70-80km/h thì vẫn cần một tuyến đường sắt mới tốc độ cao để cạnh tranh với phương thức vận tải khác, giảm chi phí, đảm bảo an toàn và bảo vệ môi trường”, Thứ trưởng Đông nói và cho biết thêm, dự thảo luật lần này đã đề xuất bổ sung mới một mục về đường sắt tốc độ cao (tốc độ thiết kế ≥ 200km/h) với các điều chủ yếu quy định về: Chính sách phát triển; các yêu cầu chung; đầu tư xây dựng; quản lý, bảo trì và kinh doanh; quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao.

Tạo lập môi trường cạnh tranh lành mạnh

Cho ý kiến vào Tờ trình, ông Phan Xuân Dũng cho rằng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đường sắt chưa được tách bạch giữa cơ quan quản lý Nhà nước và DN, giữa kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải đường sắt. Chính điều này đã dẫn đến việc chưa tạo lập được môi trường cạnh tranh lành mạnh, hạn chế kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài Nhà nước. Vì thế, đồng tình với ban soạn thảo, ông Dũng cho rằng, nên tách bạch rõ hơn giữa quản lý Nhà nước với hoạt động kinh doanh của DN.

Quan điểm trên nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình của các ĐB. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, việc Bộ GTVT vừa là cơ quan quản lý Nhà nước, vừa kinh doanh kết cấu hạ tầng, vừa kinh doanh vận tải chính là điểm mấu chốt dẫn đến bất cập, kém hiệu quả trong hoạt động đường sắt.

Cũng ủng hộ chủ trương tách bạch giữa quản lý và kinh doanh đường sắt, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định và Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cùng đề nghị luật sửa đổi cần theo hướng đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích cho tư nhân vào kinh doanh lĩnh vực này; tách hạ tầng quản lý vận tải đường sắt theo hướng hạ tầng Nhà nước lo, còn vận tải thì các thành phần kinh tế khác làm, có kết nối đa phương thức gắn với cảng biển, sân bay, bến tàu...

Thừa nhận thị phần vận tải đường sắt liên tục giảm trong những năm qua, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, điều này có nguyên nhân do sức cạnh tranh còn hạn chế so với các loại hình vận tải khác. “Nếu sửa Luật, trước hết ta phải tạo ra thị trường và có sức cạnh tranh, tức là theo hướng hạ tầng của Nhà nước thì Nhà nước đầu tư rồi chi cho bảo trì hàng năm. Hoạt động vận tải thì lâu nay không kêu gọi được bên ngoài, chỉ có một số DN tư nhân đầu tư đóng mới toa xe nên chúng tôi rất muốn tách hạ tầng, tiến tới cho thuê các tuyến đường sắt để khai thác, thu hút các thành phần kinh tế khác, kêu gọi tư nhân đầu tư đầu máy, toa xe và các cơ sở đầu tư kinh doanh vận tải, còn hạ tầng Nhà nước đảm bảo”, Thứ trưởng Đông thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.