Tướng cướp Đạt “trắng” lúc bị Đội Hình sự đặc nhiệm bắt giữ năm 2008 |
Tiếp nối SBC, hình sự đặc nhiệm đã triệt phá nhiều băng cướp hung hãn nhưng dường như đến nay tên tuổi lực lượng này vẫn khá thầm lặng. Nhiều người trong số họ cũng ủng hộ tái lập SBC trấn áp tội phạm.
Sau khi lực lượng SBC giải thể, nhiều năm sau tội phạm đường phố lộng hành trở lại. Để trấn áp tội phạm từ trong trứng nước, năm 2008, Công an TP HCM đã thành lập Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm thuộc Phòng Cảnh sát hình sự và các tổ hình sự đặc nhiệm ở công an các quận, huyện.
Lập nhiều chiến công nhưng không nhiều người biết
Dưới sự chỉ huy của những người lính SBC một thời như: Mai Văn Tấn, Trần Văn Ngọc, Nguyễn Thành Mỹ…, lửa nghề được truyền cho những người lính trẻ. Vừa mới thành lập buổi sáng, buổi chiều Đội hình sự đặc nhiệm nhận ngay nhiệm vụ khám phá băng cướp, chém người dân trọng thương để trả thù ở phường 13, Tân Bình. Đây là băng nhóm do Đặng Quốc Đạt (tức Đạt "trắng") cầm đầu cực kỳ hung hãn, chuyên chăn dắt gái, đâm thuê chém mướn, đã gây hàng loạt vụ cướp. Suốt 10 ngày ròng rã, các trinh sát hóa trang ẩn danh, quên cả đói khát để lần tìm manh mối. Cuối cùng, họ xác định được hang ổ của chúng là một quán cà phê tại quận Tân Phú và ngay sau đó Đạt "trắng" cùng đồng bọn đã sa lưới.
Năm 2009, một băng nhóm gồm 6 đối tượng người Indonesia chuyên dùng đinh inox bỏ vào hộp thuốc lá ném vào lốp xe ô tô của người vừa lĩnh tiền từ ngân hàng ra. Trong suốt thời gian dài, băng này đã gây hàng loạt vụ trộm tiền tỷ trên xe ô tô, sau mỗi phi vụ chúng nhanh chân bay về nước nên rất khó truy tìm hành tung. Lúc đó Đại tá Mai Văn Tấn, Thượng tá Trần Văn Ngọc, Thượng tá Phạm Văn Phòng chỉ đạo trinh sát ròng rã đeo bám nhiều tháng trời đã cất lưới gọn gàng cả 6 đối tượng.
Cùng với đó là hàng loạt chiến công như triệt phá băng nhóm dùng súng cướp tiệm vàng Anh Sang, trấn áp hàng nghìn tên cướp, cướp giật liều lĩnh trên đường phố... Đến nay, thế hệ SBC hầu như không còn lãnh đạo hình sự đặc nhiệm do đã về hưu hoặc chuyển công tác khác. Cộng với nhiều gian nan, đời sống vất vả nên thành phần Đội Hình sự đặc nhiệm có nhiều biến động.
Tại công an các quận, huyện nổi lên có hình sự đặc nhiệm Công an quận 1, được chỉ đạo bởi Thượng tá Nguyễn Nhật Thành, Phó trưởng công an quận. Tổ bao gồm những trinh sát trẻ, nhiệt huyết, ngoài thể hình cao to, giỏi võ, chạy xe điêu luyện còn có đầu óc phán đoán tinh thông, thậm chí chỉ cần nghe tiếng nẹt pô xe là nhận ra tội phạm.
Họ đã triệt phá hàng loạt băng nhóm hung hãn cũng như các tên cướp liều lĩnh, manh động như Thạch Tuấn Hải, nữ quái Nguyễn Thị Thảo chuyên dàn cảnh trộm tiền. Cuối tháng 2 vừa qua, tổ Hình sự đặc nhiệm Công an quận 1 khám phá nóng một băng tàng trữ súng, sản xuất ma túy, được Bí thư Đinh La Thăng khen thưởng kịp thời và đề nghị Công an TP.HCM nhân rộng mô hình.
Cần đầu tư, đãi ngộ tương xứng
Một thiếu tá, Đội phó Đội cảnh sát hình sự một quận trung tâm ở TP.HCM chia sẻ: “Tôi cũng mong muốn tái lập SBC. Trước đây đổi tên SBC thành hình sự đặc nhiệm vì nhân văn, nhưng đổi như thế nào thì tính chất công việc cũng vậy. Quan trọng là chúng tôi được trang bị như thế nào, được đảm bảo đời sống ra sao. Hiện nay còn một số quy định như sử dụng súng không rõ ràng, nên anh em chưa mạnh dạn làm việc”.
Nói về những hạn chế của hình sự đặc nhiệm hiện nay, vị Thiếu tá này cho biết, phương tiện trang bị còn thiếu thốn, không đủ số lượng hoặc cấp nhiều năm, cộng với lực lượng mỏng. Bên cạnh đó, nhiều người ở đơn vị khác đam mê săn bắt cướp muốn xin vào, nhưng việc hoán đổi không dễ dàng. Vì thế muốn tái lập SBC phải quy định “đặc quyền” cho người chỉ huy chọn lựa chiến sĩ giỏi, có nhiệt huyết, đam mê.
“Không như SBC trước đây chỉ cần dùng thẻ có thể liên hệ công việc bất cứ đâu, hiện nay hình sự đặc nhiệm phải xin giấy giới thiệu và mỗi lần đi xác minh mất nhiều thời gian, công sức. Nếu điện thoại đến đơn vị khác thì họ cũng không biết là ai, không nhiệt tình cung cấp, nên có khi xa hàng chục cây số mà công việc đang cấp bách vẫn phải chạy đến nơi. Ngoài ra, có một số đặc quyền của hình sự đặc nhiệm mà các lực lượng khác phần lớn không nắm được nên hợp tác chậm chạp, dẫn đến mất cơ hội phá án”, vị Thiếu tá nói và cho biết, muốn tái lập SBC, đầu tiên phải đầu tư trang thiết bị đầy đủ cũng như có chế độ đãi ngộ tương xứng cho tính chất công việc nguy hiểm, vất vả của họ.
Đồng quan điểm, một Thượng tá, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự ở một quận vùng ven cho hay, ngoài phương tiện trang bị thì hoạt động có hiệu quả hay không vẫn chủ yếu là do con người quyết định. Hiện ở đơn vị ông đang công tác có 13 chiến sĩ hình sự đặc nhiệm, nhưng để tuần tra khép kín địa bàn 24/24h phải cắt cử thêm lực lượng khác mới đủ.
(Còn tiếp)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận