Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga |
Có nên mở rộng các đối tượng kê khai tài sản? Cơ quan nào kiểm soát tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý? Phương thức xử lý tài sản bất minh thế nào?... Đó là những vấn đề lớn trong Dự luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 23 diễn ra ngày 11/4.
Đánh thuế 45% tài sản bất minh
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đề cập đến đề xuất quy định đánh thuế 45% với những tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp pháp. Theo ông Khái, đề xuất này phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam hiện nay; thể hiện thái độ của Nhà nước trong việc xử lý các khoản thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng khi cả người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đều không có đủ bằng chứng xác thực về căn cứ xác lập quyền sở hữu hợp pháp.
Theo ông Khái, việc thu thuế không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, thu nhập đối với người có nghĩa vụ kê khai, nếu như các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự khác chứng minh được tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình một cách hợp lý có được hoặc có nguồn gốc từ hành vi phạm tội. Quy định này nhằm tránh cách hiểu theo hướng hợp pháp hóa 55% giá trị còn lại của tài sản, thu nhập không có nguồn gốc rõ ràng hoặc trái với các quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.
Tuy nhiên, đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga lại phân tích, trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn... thì việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp. “Về mặt pháp lý không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng “suy đoán có tội’”, nên tiến hành thận trọng, có bước đi phù hợp”, bà Nga nêu quan điểm.
Nhà nước có nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tài sản
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định thừa nhận có những bất cập cần khắc phục trong công tác phòng chống tham nhũng hiện nay, tuy nhiên, cần có lộ trình và cũng không nên hy vọng sửa Luật này có thể khắc phục hết bất cập ngay lập tức.
Đề cập đến việc giải trình nguồn gốc tài sản, ông Định đề nghị quy định rõ thế nào là “giải trình hợp lý”, “giải trình không hợp lý”, bởi có thể người này cho là hợp lý, người khác lại nói không hợp lý, nếu không quy định rõ ràng thì rất khó khả thi trong thực tế. Ông cũng nhất trí quan điểm không thể áp dụng nguyên tắc “suy đoán có tội”, vì pháp luật hiện nay chỉ quy định “suy đoán vô tội”. “Tài sản của người ta, có thể người ta nhớ hoặc không nhớ. Nhưng nếu không giải trình được một cách hợp lý mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không chứng minh được tài sản đó là bất hợp pháp thì phải suy luận theo nguyên tắc suy đoán vô tội, coi đó là tài sản hợp pháp. Tài sản hợp pháp tăng thêm thì phải nộp thuế theo khung của Luật Thuế thu nhập cá nhân, không thể ấn định là 45%”, ông Định phân tích.
Cũng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, khi cơ quan Nhà nước chứng minh được tài sản này là bất minh thì đã có các quy định về xử lý hình sự, dân sự, hay kỷ luật. Như vậy không có nghĩa đánh thuế là chúng ta hợp pháp tài sản đó.
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng, về mặt pháp lý không thể coi tài sản không giải trình được nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu theo con đường hình sự, cũng không thể coi đó là tài sản Nhà nước để tịch thu. Ông đề nghị có quy định biện pháp kiểm soát thu nhập, có bộ tiêu chí để xác định thu nhập hợp pháp, qua đó thu các khoản thuế thu nhập và xác định các tài sản hợp pháp.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đồng tình sử dụng biện pháp thu thuế, nhưng không tán thành mức đánh thuế 45% vì theo bà, mức thuế phải phụ thuộc vào giá trị tài sản, được quy định các mức trong Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Kiểm soát tài sản, thu nhập người có phụ cấp 0,9 trở lên
Liên quan đến quy định kiểm soát tài sản, thu nhập của một số đối tượng nhất định như dự thảo Luật quy định, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho hay, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng không tách riêng quy định về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và người có nghĩa vụ kê khai khác trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng mà áp dụng các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng như đối với cán bộ, công chức nói chung trong hệ thống chính trị.
Liên quan đến thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, Chính phủ chọn phương án Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,9 trở lên công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương, người có nghĩa vụ kê khai thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
Về quy định các đối tượng phải kê khai tài sản, Chính phủ vẫn giữ nguyên phương án từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý về quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai: các ĐBQH và HĐND các cấp, người ứng cử ĐBQH và HĐND, cán bộ, công chức, một số chức danh trong quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước hoặc cử giữ chức danh quản lý trong các doanh nghiệp có vốn Nhà nước.
Riêng đối với nhóm đối tượng là cán bộ, công chức khi lần đầu làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực Nhà nước, thì việc kê khai chỉ nhằm hình thành cơ sở dữ liệu chung phục vụ công tác quản lý cán bộ như đang triển khai trên thực tế hiện nay khi kê khai hồ sơ cán bộ, công chức và không thuộc diện kiểm soát tài sản, thu nhập.
Không nộp tiền bồi thường thiệt hại không được đặc xá Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi). Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn, Luật Đặc xá hiện hành (khoản 1 Điều 10) quy định các điều kiện đặc xá gồm: Chấp hành tốt nội quy, quy chế của trại giam, trại tạm giam; tích cực học tập, lao động, được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; đã chấp hành được ít nhất 1/3 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn, ít nhất 14 năm đối với hình phạt tù chung thân. Đặc biệt, đối với người bị kết án phạt tù về tội phạm tham nhũng hoặc một số tội khác do Chủ tịch nước quyết định thì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác. Nhưng với dự án Luật sửa đổi, quy định này được đổi thành “người bị kết án phạt tù về bất kỳ tội gì đều phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác”. Trong 10 năm thi hành Luật Đặc xá, Chủ tịch nước đã 7 lần ban hành quyết định về đặc xá nhân các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước. Qua đó đã đặc xá cho 85.897 phạm nhân, 1.123 người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù và đặc xá thuộc trường hợp đặc biệt cho 13 phạm nhân; 1 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để phục vụ yêu cầu đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Từ năm 2009 đến năm 2017, công tác thi hành án dân sự liên quan đến công tác đặc xá đã thi hành xong 199.109 việc với số tiền thu được là trên 3.184 tỷ đồng. Trong đó, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1.437 tỷ đồng; thu bồi thường cho công dân, tổ chức xã hội gần 1.750 tỷ đồng. Hoài Vũ |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận