Syria cần 200 tỷ USD để có thể khôi phục đất nước |
Chào đón Nga, Trung hỗ trợ tái thiết
Để hiện thực hóa kế hoạch tái thiết khổng lồ, Syria cần một khoản tiền vô cùng lớn. Ngân hàng Thế giới ước tính, con số này có thể khoảng 200 tỷ USD và vẫn chưa rõ ai sẽ sẵn sàng chi trả cho những hóa đơn đó trong khi Chính phủ của Tổng thống Assad đang đối mặt với các lệnh trừng phạt từ châu Âu và Mỹ.
Để tìm kiếm nguồn tài chính, Đại sứ Syria tại Bắc Kinh Imad Moustapha cho biết, Chính phủ Syria sẽ mở cửa với bất cứ lời đề nghị nào nằm trong các mối quan tâm của họ như: Đổi dầu lấy nợ, thanh toán các thỏa thuận thương mại/đầu tư bằng đồng nhân dân tệ.
Chia sẻ thêm về kế hoạch khôi phục đất nước, Đại sứ Syria tại Bắc Kinh Imad Moustapha cho biết, Syria đã và đang kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào nỗ lực tái thiết khổng lồ. “Chúng tôi muốn những quốc gia như: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Iran giúp đỡ”, ông Moustapha cho biết.
Trong suốt cuộc nội chiến và cuộc chiến chống khủng bố IS, Chính phủ Syria đã tìm đến với các đồng minh như Nga để nhờ cậy. Thậm chí, Tổng thống Assad từng cảm ơn người đồng cấp Nga Vladimir Putin vì đã “cứu” đất nước ông.
Về phía Trung Quốc, dù nước này không triển khai các lực lượng quân sự hỗ trợ Chính phủ Syria nhưng họ đã cùng với Moscow phủ quyết các biện pháp trừng phạt bất lợi cho Chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad.
Cuộc nội chiến kéo dài 6 năm tại Syria đã cướp đi sinh mạng của khoảng 465.000 người và đẩy hơn 12 triệu người vào cảnh màn trời chiếu đất, gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn chưa từng có.
Ông Moustapha cho biết, Trung Quốc có sức mạnh kinh tế để giúp Syria, nhưng Bắc Kinh không cần đề nghị nhận người tị nạn Syria. “Nếu người Trung Quốc có ý định tốt giúp người tị nạn Syria thì hãy sửa chữa nhà cho họ thay vì chi tiền để đưa họ về Trung Quốc”, vị Đại sứ chia sẻ. Ông cho rằng, “việc chi trả cùng một số tiền cho phép người dân Syria quay trở về quê hương và sống hạnh phúc tại đất nước của mình, theo tôi, đó là điều logic và nhân văn hơn”.
Trước ý định tái thiết của Syria, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị từng nói với ông Bouthaina Shaaban, trợ lý cấp cao của Tổng thống Assad rằng, Trung Quốc sẽ ủng hộ kế hoạch này.
Mặt khác, Đại sứ Syria nhấn mạnh: “Chúng tôi không chào đón những đất nước từng tham gia vào cuộc chiến Syria và nay lại đến ngỏ lời tham gia khôi phục đất nước”, ám chỉ Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai nước đã ủng hộ các lực lượng đối lập chống Chính phủ Syria.
Đầu tư vào Syria, Trung Quốc được lợi gì?
Đại sứ Syria tại Trung Quốc Moustapha, người từng là Đại sứ tại Mỹ đến năm 2011, cho rằng các công ty Trung Quốc rất quan tâm tới việc khai thác các cơ hội kinh doanh tại nước này. Ông thường xuyên đón tiếp các đoàn đại biểu, chuyến thăm từ các công ty Trung Quốc gần như hàng ngày.
“Hầu hết, họ đều đang ở giai đoạn tự chuẩn bị mở các văn phòng đại diện ở Damascus và các thành phố khác của Syria, đưa các đội khai thác tới đây để gặp các cộng đồng doanh nghiệp, các cơ quan Chính phủ tại Syria và báo cáo lại cấp trên”, Đại sứ Syria nói và cho biết thêm: “Nhiều người trong số họ vốn đã ký các hợp đồng và một số khác đang trong quá trình ký kết”. “Chúng tôi rất cởi mở với những lời đề nghị thoả thuận đổi dầu lấy nợ từ các công ty Trung Quốc”, Đại sứ Syria nhấn mạnh.
Ông Moustapha còn tiết lộ, Trung Quốc và Syria đang hợp tác trao đổi tình báo vì khoảng 5.000 phiến quân Trung Quốc, hầu hết là người Duy Ngô Nhĩ đến từ Khu tự trị Tân Cương, được cho là đang được đào tạo tại Syria.
Nhận định về triển vọng Trung Quốc đầu tư tái thiết Syria, ông Raffaello Pantucci, Giám đốc nghiên cứu an ninh quốc tế tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh ở London cho rằng, ông chưa nhìn thấy dấu chấm hết nào cho cuộc nội chiến Syria. Theo ông, hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Syria sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức.
“Đối với Trung Quốc, lợi ích tài chính tại Syria khá hạn chế”, ông Pantucci cho biết và nói thêm rằng, trước khi xảy ra nội chiến, nhiều công ty Trung Quốc đã đầu tư vào ngành viễn thông và năng lượng Syria.
Bên cạnh đó, ông Kamal Alam, nghiên cứu sinh tại Viện London cho rằng, việc Trung Quốc đầu tư vào Syria có thể không mang lại nhiều lợi ích kinh tế nhưng lại được lợi ích về an ninh khá lớn vì một số chiến binh Duy Ngô Nhĩ đang chiến đấu tại Syria. “Trung Quốc là một trong những lựa chọn mạnh nhất mà Syria có, cùng với các nước trong khối BRICS”, ông Alam đề cập tới Ấn Độ và Nam Phi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận