Chất lượng sống

Tan hoang rừng đầu nguồn Kbang, Gia Lai

19/12/2018, 07:51

Lâm tặc lợi dụng sơ hở hoặc đêm tối đổ bộ vào một vị trí sau đó hạ cây, xẻ gỗ ngay tại gốc...

18

Tang vật phá rừng được đưa về trụ sở Công ty Lâm nghiệp Sơ Pai

Rừng Sơ Pai trải dài bên đường Trường Sơn Đông cách trung tâm thị trấn huyện Kbang (Gia Lai) khoảng 10km. Con đường độc đạo nối giữa khu vực rừng có độ che phủ lớn nhất cả nước cũng là nơi lâm tặc “qua mặt” hàng loạt trạm gác, chốt bảo vệ rừng...

Rừng Sơ Pai bị “cạo trọc”

Những ngày cuối năm, theo chân một người bản địa, càng vào sâu địa phận rừng Sơ Pai, chúng tôi càng thấy sự tàn phá khốc liệt. Rừng loang lổ như những miếng vá. Những rẫy cà phê phủ kín những chân đồi nơi rừng vừa bị “cạo trọc”.

Mới đây, 2 lãnh đạo của Công ty Lâm nghiệp Sơ Pai đã bị cách chức vì thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng. Cơ quan điều tra cũng chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát truy tố tội danh 3 nhân viên bảo vệ rừng của công ty này về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Dự kiến, trong thời gian tới TAND huyện Kbang sẽ đưa ra xét xử vụ việc trên. 

Điểm đầu tiên chúng tôi có mặt tại ngã ba đường Trường Sơn Đông đoạn giao với đường liên xã Đăk Smar, xã Kroong của huyện Kbang. Tại đây, chốt trạm bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sơ Pai (Công ty Lâm nghiệp Sơ Pai) vẫn hoạt động bình thường. Nhưng chỉ cần đi vào hướng khu căn cứ cách mạng Kroong khoảng 300m, một con đường có vết hằn của xe 4 bánh hiện ra. Người dẫn đường bảo rằng, chỉ cần từ đường cái đi theo vết bánh xe khoảng 50m thì sẽ phát hiện cây lớn bị cưa cuối tháng 11. Những vết bánh xe lún khá sâu, những cây rừng nhỏ bị chặt hạ để khoảng trống vừa một chiếc xe tải chui lọt. Thân gỗ gội có tuổi đời hàng trăm năm bị hạ bằng cưa máy có đường kính khoảng 1m. Xung quanh vị trí này hàng chục bìa gỗ, ngọn cây không dùng được bị bỏ lại ngổn ngang. Tại đây vẫn còn một hộp gỗ nguyên khối đo được các cạnh 60x20x2m vẫn chưa được chuyển đi. Qua tính toán sơ bộ, cây gỗ bị đốn hạ ước chừng khoảng 6m3. Mở rộng tìm kiếm theo các vết xe hai bên cánh rừng bị đường cắt ngang, chúng tôi lại phát hiện thêm 1 gốc  lim xẹt (gỗ quý nhóm II) có đường kính khoảng 80cm, dài khoảng 10m cũng bị đốn hạ trơ gốc.

Người dẫn đường tiếp tục dẫn chúng tôi đi đến đoạn sân bay trên đường Trường Sơn Đông. Chiếc xe máy rẽ vào một đường nhỏ đến một rẫy cà phê. “Nơi đây vốn là đất rừng thuộc quản lý của Công ty Lâm nghiệp Sơ Pai nhưng đã bị người dân phá rừng để trồng cà phê từ nhiều năm trước”, người chỉ đường cho biết. Đi khoảng 30m cách đường Trường Sơn Đông, chúng tôi dừng lại trước một thân cây lớn vừa bị hạ. Mủ trên thân cây vừa cưa tứa ra vẫn chưa đặc lại, thân gỗ bị lấy mất... Cách đó vài chục gốc cà phê, một thân gỗ khác có đường kính khoảng 1,2m cũng chỉ còn lại những gì không thể sử dụng được. “Trước đây có nhiều cây gỗ to, nhưng giờ đã bị lâm tặc cưa. Nhiều lúc lâm tặc cưa xong để đó rồi vài tháng mới chở đi”, người chỉ đường nói và bốc những mùn cưa mới và cũ phân tích: “Gốc gỗ này đã bị cưa ít nhất là 2 lần. Lần thứ nhất là khi vừa hạ cây xuống, lâm tặc xẻ khúc (thường dài 2m), rồi xẻ ra các hộp gỗ chuyển đi”.

Chính quyền than khó, chủ rừng thông đồng với lâm tặc?

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Tuyển, Chủ tịch UBND xã Sơ Pai, huyện Kbang cho biết, xã Sơ Pai có tuyến đường giao thông rất thuận lợi đi ngang qua khu rừng. “Chúng tôi gọi lâm tặc ở đây là lâm tặc “cơ động”. Vì chúng lợi dụng sơ hở hoặc đêm tối đổ bộ vào một vị trí sau đó hạ cây, xẻ gỗ ngay tại gốc. Mỗi cây gỗ chúng chỉ cần khoảng 30 phút là hạ xong. Trong khi đó, lực lượng chức năng từ lúc nhận được tin báo đến hiện trường cũng phải mất vài giờ...”, ông Tuyên nói và cho biết thêm: “Lâm tặc còn cắt cử người theo dõi nhất cử nhất động của cán bộ và lực lượng chức năng để thông tin với nhau hòng tẩu tán tang vật hoặc thoát khỏi hiện trường...”.

Ông Trương Thanh Hà, Hạt Kiểm lâm huyện Kbang cho biết, tình trạng vi phạm lâm luật trên địa bàn ở xã Sơ Pai là một trong những điểm nóng của huyện. “Năm 2017, xảy ra 192 vụ phá rừng trái phép thì năm 2018 vẫn còn 120 vụ với tổng số lâm sản tạm giữ là 361,260m3. Tuy vậy, tình trạng đưa phương tiện độ chế, cưa xăng vào rừng để khai thác, vận chuyển gỗ trái phép vẫn không giảm so với năm trước. Chủ rừng có biểu hiện thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, chưa thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời. Thậm chí có trường hợp còn tiếp tay, thông đồng với lâm tặc”, ông Hà cho hay.

Cán bộ lâm trường bị chém

Công ty Lâm nghiệp Sơ Pai vừa có văn bản đề nghị Công an huyện Kbang điều tra, làm rõ vụ việc một cán bộ của công ty bị chém dẫn đến thương tích xảy ra vào đêm 5/12. Cụ thể, khi đang trực chốt, anh Nguyễn Viết Dũng-nhóm trưởng phân trường làng Tà Kơ, bị 3 đối tượng cầm dao rựa xông vào chốt chém, khiến anh bị thương ở mặt. Theo nhận diện ban đầu, trong nhóm côn đồ trên có 2 đối tượng trú tại thôn 2, xã Sơ Pai liên quan đến vụ cất giấu 1,529m3 gỗ xẻ trái phép mà nhóm của anh Dũng phát hiện tại khoảnh 7, tiểu khu 120.

Được biết, Công ty Lâm nghiệp Sơ Pai được giao quản lý với diện tích hơn 7.600ha. Địa bàn xã này giáp với thị trấn Kbang và có đường Trường Sơn Đông đi ngang qua. Ông Nguyễn Văn Hợi, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Sơ Pai thừa nhận: Không thể hoàn thành nhiệm vụ giữ rừng một cách triệt để bởi lực lượng quá mỏng (17 người/7.600ha rừng); mức lương, hỗ trợ cho cán bộ bảo vệ rừng thấp; mức khoán cho hộ dân, cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ rừng quá thấp... “Cần phải có một cơ chế đặc thù để bổ sung nhân lực, chế độ, quyền hạn nhân viên bảo vệ rừng và sự phối hợp mạnh mẽ hơn nữa của các cơ quan hữu quan. Bên cạnh đó, các cam kết ràng buộc trách nhiệm giữa người được giao nhận khoán, cộng đồng dân cư tham gia giữ rừng. Muốn được điều này thì phải tăng kinh phí”, ông Hợi kiến nghị.

Ông Nguyễn Mạnh Tuyển cũng chia sẻ: Công tác tuần tra, bảo vệ rừng, truy quét lâm tặc gặp khá nhiều khó khăn. Tuy nhiên, năm 2018 xã chỉ nhận được 7 triệu đồng chi phí cho hoạt động này. “7 triệu đồng so với khối lượng công việc quá lớn không để đủ xăng xe cho anh em đi đường rừng”, ông Tuyển than thở.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.