Bất kể là ông Trump hay bà Clinton trở thành Tổng thống, người đó sẽ phải đối mặt vớiđầy rẫy thách thức |
Hôm nay (8/11), cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ sẽ đi đến hồi kết. Cho dù Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ là Donald Trump hay Hillary Clinton thì giây phút “ăn mừng chiến thắng” chắc sẽ chẳng dài lâu, bởi một thế giới đầy thách thức đang chờ đợi họ, CNN nhận định.
Triều Tiên và Trung Quốc
“Triều Tiên chắc chắn sẽ là thách thức của chính quyền kế tiếp”, Victor Cha - cố vấn cấp cao thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế, đồng thời là cựu cố vấn của Tổng thống George W.Bush về vấn đề Triều Tiên nhận định.
Ông Cha cũng cho rằng, vị lãnh đạo “tính khí thất thường” Kim Jong-un với những nỗ lực theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân và tuyên bố thử nghiệm các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân chẳng khác nào “cái gai” trong mắt của tân tổng thống. Washington sẽ phải lường trước những khó khăn, thậm chí là một cuộc “chiến tranh lạnh” đến từ Trung Quốc, nếu áp dụng lập trường cứng rắn hơn với Triều Tiên. Bởi, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ xem việc “mạnh tay” với “người anh em” Bình Nhưỡng là động thái “chọc giận”. Đây có thể là “khởi nguồn của một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc trong khu vực”.
Ngoài ra, Trung Quốc chắc chắn sẽ là một thách thức; Nhất là khi Bắc Kinh đang nỗ lực quân sự hóa biển Đông, còn Washington vẫn khẳng định sẽ tận dụng triệt để quyền tự do hàng hải để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Ông James Clapper, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc gia Mỹ (DNI) cho rằng, “chương trình quân sự hóa phức tạp” mà Bắc Kinh đang áp dụng trên nhiều mặt trận rất đáng lo ngại.
Mối quan hệ với Nga
Giới quan sát cho rằng, tân Tổng thống Mỹ không thể không chú ý mối quan hệ với Nga. Đặc biệt, việc Crimea được sáp nhập vào Nga và xung đột ở miền Đông Ukraine chưa có lối ra. Đồng thời, trong khi Mỹ phản đối, Tổng thống Nga V.Putin vẫn kiên định ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad với những lý lẽ của riêng mình và sẵn sàng ứng phó với bất kỳ phản ứng nào của các đồng minh NATO.
Ngoài ra, Mỹ cáo buộc chính quyền Tổng thống Putin không chấp hành Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) bằng việc đưa tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân Iskander-M và tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM tới Kaliningrad - nằm giữa Ba Lan và Litva, hai nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong khi Nga khẳng định, đây chỉ là những hành động bình thường trong một cuộc tập trận thường xuyên trên lãnh thổ Nga.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan hệ châu Âu, Nga và Đông Âu thuộc Đại học Georgetown, bà Angela Stent nhận định: “Một năm trước, tôi đã có thể nói mối quan hệ (Mỹ - Nga) là tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Nhưng bây giờ, thậm chí nó còn tồi tệ hơn”.
Trung Đông và IS
Ông James Clapper tuyên bố: Tân Tổng thống Mỹ sẽ thừa hưởng “một mớ hỗn độn” từ Trung Đông. Suốt 8 năm qua, mối quan hệ của Mỹ với khu vực này thay đổi một cách sâu sắc; Những nhà lãnh đạo trong khu vực này - những người từng làm việc với chính quyền Mỹ hoặc đã bị thanh lọc, hoặc đã trở thành kẻ thù.
Josh Landis - người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Oklahoma cho rằng: “Syria sẽ là một thử thách đầy khó khăn đối với Tổng thống mới” - nơi một cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm qua đã khiến hơn nửa triệu người thiệt mạng và tạo ra một bức tranh khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất mọi thời đại.
Chưa kể, quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên NATO, đang xấu đi khiến Mỹ “đau đầu” kể từ sau cuộc đảo chính bất thành ở nước này hồi tháng 7. Cho tới nay, động thái không dẫn độ giáo sĩ Gulen theo yêu cầu của Ankara như “giọt nước tràn ly” trong quan hệ hai bên. “Tại thời điểm này, Mỹ đang thiếu đi những bạn bè truyền thống, còn kẻ thù truyền thống của họ thì lại đang tăng lên”, Aaron David Miller, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Wilson cho hay. Chưa kể, sự hỗn loạn ở Trung Đông cũng thúc đẩy những nhóm khủng bố cực đoan, như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lớn mạnh.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận