Tài chính

Tăng thuế để bù bội chi là phản cảm

21/08/2017, 07:10

Bộ Tài chính đã rất "thật thà" khi đề xuất việc tăng thuế là để... giải quyết vấn đề nợ công.

thue

Ảnh minh họa

Như tôi đã chỉ ra, ngay từ năm 2012-2013, khi Chính phủ chi tiêu quá nhiều, nhất là chi tiêu thường xuyên dẫn tới nợ công , thâm hụt ngân sách. Nếu không tinh giản bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi tiêu thường xuyên thì chỉ còn cách buộc phải tăng thuế.

Trong khi Chính phủ hứa cắt giảm thuế TNDN và buộc phải cắt giảm thuế XNK nên phải tìm nguồn thu khác bù vào. Trong khi đó, việc dịch chuyển nguồn thu từ thuế thu nhập (TNDN và TNCN) sang thuế tiêu thụ (TTĐB và VAT) là xu hướng và cũng để giải quyết vấn đề công bằng xã hội.

Trong đó, thuế VAT có xu hướng rõ ràng ngay từ đầu là tăng tỷ trọng nhanh và trở thành nguồn thu nhiều nhất, hơn cả nguồn thu từ thuế TNDN. Và dường như Chính phủ, Bộ Tài chính cũng nhìn thấy xu hướng thu thuế từ thuế VAT là thứ dễ dàng hơn, không vấp phải tình trạng trốn thuế như TNDN hay các loại thuế khác.

Tôi cho rằng, việc tăng thuế cần đặt trong chính sách tổng thể, chuyển dịch sang thuế tiêu dùng. Tôi ủng hộ xu hướng dịch chuyển này. Việc tăng nhanh thuế tiêu thụ trước mắt làm giảm tổng cầu (giảm mức tiêu thụ), ảnh hưởng tới tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu nhìn dài hạn thì sẽ làm tăng tiết kiệm, tăng đầu tư, kích thích tăng trưởng.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cần đưa ra thông tin và nhất là cần phải cho người dân thấy ảnh hưởng của đối tượng chịu tác động. Phải có phân tích, chỉ ra cái đó mang lại lợi ích gì, thiệt hại gì. Và lộ trình phù hợp, có thời gian áp dụng, mức thay đổi càng lớn thì càng phải có lộ trình dài để thay đổi theo, nhất là sắc thuế tác động tới doanh nghiệp, vì nếu giật cục thì khiến cho doanh nghiệp phá sản.

Việc tăng thuế tiêu dùng nếu đồng hành với cắt giảm thuế thu nhập là biện minh được. Nhưng nếu mục đích của anh là cải cách thuế mà dẫn tới tăng thuế tổng thể chỉ để bù đắp cho chi tiêu công lại là không thuyết phục. Tăng thuế chỉ để bù đắp bội chi là phản cảm!

Điều quan trọng nhất là cải cách chi tiêu Chính phủ. Đây cũng là động lực quan trọng cải cách hệ thống thuế bởi thuế giảm thì dễ mà tăng thì khó. Câu chuyện tôi muốn đưa ra là làm thế nào đưa ý tưởng cải cách hệ thống thuế dựa trên thuế tiêu thụ thành câu chuyện được tranh luận để tìm được hệ thống thuế hiệu quả cho Việt Nam trong tương lai; giải quyết được các câu hỏi: Hệ thống thuế có công bằng hay không? Hệ thống thuế có đơn giản hay không? Hệ thống thuế có trao cho Chính phủ quá nhiều quyền ban phát hay không (ngoài quyền thu, hay có quyền đánh thuế người này ít người kia nhiều, trợ cấp người này ít người kia nhiều…)? Liệu hệ thống thuế có ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế hay không?

Chuyên gia kinh tế
Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu thị trường MarketIntello

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.