Tàu cá vỏ thép được đóng mới cho ngư dân Hải Phòng |
Tự tin vươn khơi
Ông Hoàng Văn Triều và ông Đồng Văn Duy ở xã Đại Hợp, Kiến Thụy, Hải Phòng vui mừng khôn xiết khi được bàn giao hai tàu cá vỏ thép số hiệu LR 28-21 và LR 28-23. Hai chiếc tàu vỏ thép uy nghi, sừng sững giữa những tàu cá vỏ gỗ cũ kĩ. Cả hai ông đều kéo một còi dài như lời chào của con tàu trước biển khơi.
Ông Triều cho biết, tàu vỏ gỗ ngày trước có độ an toàn không cao, trang thiết bị nghèo nàn và chỉ có thể đánh bắt gần bờ nên hiệu quả kinh tế thấp. Giờ có tàu vỏ thép rồi, phạm vi đánh bắt có thể vươn xa mấy trăm hải lý trên biển và có thể hoạt động liên tục cả tháng trời nên tiết kiệm chi phí và tăng hiệu quả kinh tế.
Ngày 12/9, Công ty Đóng tàu Phà Rừng tiếp tục bàn giao tàu cá vỏ thép cho gia đình ngư dân Nguyễn Văn Hải - Chủ tàu cá Sông Chanh 01, gia đình ông Phan Thanh Trị - chủ tàu cá Hướng Biển 01 và tổ chức khởi công tàu cá LC1421B. Đây là tàu cá vỏ thép có công suất và trọng tải lớn được đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ nhằm hiện đại hóa và phát triển đội tàu cá xa bờ cỡ lớn, tạo bước đột phá quan trọng để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. |
Ông Duy cho biết, chỉ một tháng nữa là hai tàu cá vỏ thép của ông sẵn sàng vươn khơi. Nhưng điều quan trọng là bên cạnh tăng hiệu quả kinh tế, việc các ngư dân như ông có thể cho tàu đánh bắt xa bờ đến vài trăm hải lý cũng góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Sự hiện diện của các tàu cá trên biển chính là những cột mốc chủ quyền.
“Tôi có nằm mơ cũng không nghĩ mình sẽ được sở hữu chiếc tàu cá vỏ thép này. Nhờ Nhà nước hỗ trợ và sự vào cuộc quyết liệt của công ty đóng tàu nên tàu cá vỏ thép của tôi hoàn thành rất nhanh. Khi có tàu mới, chúng tôi tự tin hơn trên biển”, ông Duy nói.
Hai con tàu này là một trong nhiều tàu vỏ thép được thực hiện theo Nghị định 67/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ, do Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) thực hiện đóng mới. Theo Nghị định 67, các chủ tàu đóng mới tàu vỏ thép được vay vốn Ngân hàng Thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư với lãi suất 7%/năm; Trong đó, chủ tàu trả 1%/năm, còn lại Nhà nước cấp bù 6%/năm. Bên cạnh đó, các chủ tàu còn được hưởng nhiều ưu đãi khác như: Thời hạn vay kéo dài hơn chục năm, ngân sách Nhà nước cấp bù số lãi vay của chủ tàu được miễn năm đầu cho các ngân hàng thương mại. Không thu lệ phí trước bạ đối với chủ tàu thuyền khai thác thủy hải sản...
Chủ tàu Hoàng Văn Triều cho biết thêm, với sự hỗ trợ rất tích cực như vậy nên ngư dân chúng tôi yên tâm bám biển. Tàu lớn ra khơi sẽ vững chãi hơn nhiều, ít gặp rủi ro. Phía công ty đóng tàu cũng thực hiện rất nhanh gọn việc thi công, an toàn nên chúng tôi rất yên tâm. Tàu có khả năng chịu được sóng cấp 9, cấp 10 và có thể đánh bắt được khoảng 50 tấn hải sản.
Tàu cá vỏ thép khẳng định chủ quyền
Ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch HĐTV SBIC cho biết, đơn vị này đã ký hợp đồng đóng mới khoảng trên 100 tàu cá vỏ thép và đang thực hiện khoảng 70 tàu. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các công ty thành viên đã cố gắng tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ ngư dân hoàn thiện thủ tục với ngân hàng, thay đổi thiết kế theo nhu cầu sử dụng của chủ tàu trong phạm vi cho phép.
Còn ông Phạm Quang Vũ, Tổng giám đốc Công ty CNTT Thành Long, đơn vị trực thuộc SBIC chia sẻ, ngoài 2 tàu cá bàn giao đợt này, thời gian tới sẽ tiếp tục bàn giao 2 tàu cá vỏ thép nữa. Bên cạnh đó, sẽ ký hợp đồng đóng mới 5 tàu cá vỏ thép với các chủ tàu: Phạm Văn Trung, Phạm Quang Khoa, Tô Quang Trinh, Tô Quang Huấn, Đỗ Văn Hùng ở xã Đại Hợp. Bên cạnh giúp ngư dân phát triển kinh tế biển, cũng là thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước và nhân dân về bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, ổn định tình hình chính trị, phát triển bền vững về an ninh - xã hội.
Theo thiết kế, chiều dài tàu khoảng 27,8m; chiều cao mạn 3,1m; Chiều rộng thiết kế 6,8m; Vật liệu vỏ thép Hàn Quốc; Máy chính có công suất 811 CV và tốc độ trên 13 hải lý/h. Tùy công suất thiết kế, mỗi tàu được thực hiện trong gần 8 tháng.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thiện, Bí thư Đảng ủy xã Đại Hợp cho biết, các tàu cá vỏ thép có thể giúp ngư dân tăng hiệu quả kinh tế lên nhiều lần so với tàu vỏ gỗ. Ngư dân trong xã đã mạnh dạn làm ăn kinh tế, yên tâm bám biển, khẳng định chủ quyền biển đảo. Tàu vỏ thép có thể giúp ngư dân đạt doanh thu từ 300 - 500 triệu đồng/ chuyến biển kéo dài khoảng chục ngày. Xã có khoảng 300 ngư dân và rất kỳ vọng vào những tàu cá vỏ thép và mong muốn đẩy nhanh tiến độ đóng mới các tàu cá vỏ thép.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận