Thế giới

Tàu Mỹ băng qua eo biển Đài Loan trước cuộc gặp Trump - Tập

30/11/2018, 16:07

Việc các tàu chiến của Hải quân Mỹ được lệnh di chuyển qua eo biển Đài Loan sẽ làm gia tăng sức ép...

38

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Stockdale

Việc các tàu chiến của Hải quân Mỹ được lệnh di chuyển qua eo biển Đài Loan sẽ làm gia tăng sức ép của Washiongton lên Bắc Kinh trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Argentina.

Lần thứ 3 trong năm

Hai tàu Hải quân Hoa Kỳ đã di chuyển qua eo biển Đài Loan ngày 28/11. Cơ quan phòng thủ đảo Đài Loan trong một thông báo đã nhấn mạnh rằng, hòn đảo có đủ khả năng bảo vệ lãnh hải cũng như an ninh không phận.

Lầu Năm Góc đã xác nhận thông tin này. Trung tá Hải quân Christopher Logan, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Stockdale và tàu chở dầu hậu cần USNS Pecos đã thực hiện hành trình băng qua eo biển Đài Loan ngày 28/11 theo luật pháp quốc tế.

“Các tàu chiến Mỹ di chuyển qua eo biển Đài Loan thể hiện cam kết an ninh và tự do hàng hải của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương rộng lớn. Hải quân Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục di chuyển và bay ở bất cứ khu vực nào được luật quốc tế cho phép”, ông Logan nhấn mạnh.

Đây là lần thứ ba trong năm 2018, Mỹ điều tàu chiến đi qua vùng biển nằm giữa Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan, sau các hoạt động tương tự vào tháng 7 và tháng 10 vừa qua. Phía Mỹ cho biết, tàu chiến Trung Quốc cũng có mặt trong quá trình hai tàu USS Stockdale và USNS Pecos đi qua eo biển Đài Loan và hoạt động giữa hai bên lần này an toàn và chuyên nghiệp hơn sự cố hồi tháng 10 vừa qua.

Washington đã duy trì quan hệ không chính thức với Đài Loan và là nước cấp vũ khí chính cho hòn đảo này trong nhiều thập kỷ, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Lầu Năm Góc nói, Washington đã bán cho Đài Loan hơn 15 tỷ USD vũ khí từ năm 2010.

Trong khi đó, Trung Quốc xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và đang tăng áp lực để khẳng định chủ quyền đối với hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai trong chính sách “một Trung Quốc”.

Theo tờ New York Times, việc di chuyển của các tàu hải quân Mỹ có nguy cơ làm tăng thêm căng thẳng với Trung Quốc nhưng có thể sẽ được xem như một dấu hiệu ủng hộ hòn đảo Đài Loan của Chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh các căng thẳng ngày càng gia tăng giữa Đài Bắc và Bắc Kinh.

Cuối tuần qua, Đảng Dân tiến (DPP) cầm quyền của Đài Loan đã phải chịu thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử cấp thị trưởng và quận hạt so với phe đối lập, Quốc Dân đảng - vốn có quan hệ thân thiện với Bắc Kinh.

Trong khi đó, tờ Nhật báo Trung Hoa (China Daily) lập tức hoan nghênh kết quả bầu cử và cho rằng, điều này chứng tỏ nguyện vọng của người dân trên đảo đi ngược lại “lập trường ly khai” của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cũng như Đảng DPP của bà.

Áp lực chính trị

Còn trong các cuộc đàm phán đã diễn ra vào tháng này tại Washington với các quan chức cấp cao của Mỹ gồm Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis, các quan chức Trung Quốc cũng đã nhắc lại sự phản đối của họ đối với việc Washington hỗ trợ Đài Loan.

Là một nhà ngoại giao hàng đầu và ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì cảnh báo Mỹ rằng, “lực lượng ủng hộ độc lập Đài Loan và hoạt động ly khai của họ là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình và ổn định tại eo biển Đài Loan”.

Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chỉ thị cho lực lượng vũ trang nòng cốt của Quân khu Nam (nơi chịu trách nhiệm giám sát Đài Loan và biển Đông” mệnh lệnh “hãy chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa cũng cảnh báo rằng, chính quyền Trung Quốc đại lục sẽ không nhượng bộ “một cm” lãnh thổ hòn đảo của mình.

Dù vậy, Đài Loan chỉ là một trong các vấn đề căng thẳng ngày càng gia tăng trong quan hệ Mỹ - Trung, trong đó bao gồm cuộc chiến thương mại, các lệnh cấm vận từ Mỹ và sự gia tăng tiềm lực quân sự của Trung Quốc ở biển Đông.

Trong những tháng gần đây, không quân Mỹ đã nhiều lần điều máy bay ném bom B52 bay trên biển Đông. Vào tháng 9, một tàu khu trục Hải quân Mỹ đã tiến hành hoạt động tự do hàng hải trên biển Đông, gần quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), nơi Trung Quốc đang chiếm giữ, xây dựng và đồn trú bất hợp pháp trên một số đảo, đá tại khu vực này.

Vì vậy, cuộc gặp sắp tới giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 dự kiến ​​sẽ giải quyết về nhiều vấn đề khác nhau, từ chiến tranh thương mại đến căng thẳng trên biển giữa hai bên.

Theo giới phân tích, có thể một số lợi ích của hai bên sẽ được “đặt lên, hạ xuống” nhằm đạt được thỏa thuận cùng có lợi trong cuộc đàm phán ngoại giao bên bàn tiệc của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.