Hồ sơ tài liệu

Thái Lan chuẩn bị bầu cử: Thấp thoáng bóng dáng anh emThaksin

03/03/2018, 14:29

Bầu cử hậu đảo chính đang là vấn đề được dư luận tại Thái Lan hết sức quan tâm.

37

Gia đình Thaksin vẫn có chỗ đứng trong tim không ít người dân Thái

Bầu cử hậu đảo chính đang là vấn đề được dư luận tại Thái Lan hết sức quan tâm. Giữa bối cảnh đó, nhiều thông tin cho rằng, anh em cựu Thủ tướng nhà Shinawatra đang tìm cách ngấm ngầm hậu thuẫn lãnh đạo đảng Pheu Thai, tìm lại ảnh hưởng và quyền lực ở quê nhà ngay cả khi đang sống lưu vong tại nước ngoài.

“Điều khiển chiến dịch tranh cử từ xa”

Tuần trước, nhiều báo cáo liên quan đến cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra đã khiến dư luận trong nước và quốc tế ngạc nhiên, đặc biệt là thông tin cho rằng ông đã tổ chức buổi gặp mặt tại Hong Kong và Thái Lan với những thành viên kỳ cựu trong đảng Pheu Thai. Những thành viên này vẫn bày tỏ sự tôn trọng đối với người đàn ông mà họ coi là “ông chủ lớn”.

Hai anh em Thaksin và Yingluck Shinawatra còn được cho là đã tới Nhật, Trung Quốc trong đầu tháng 2 vừa qua và gặp những người trung thành với họ tại đây. Bà Yingluck Shinawatra, cựu Thủ tướng và lãnh đạo đảng Pheu Thai trước cuộc đảo chính năm 2014, cũng đang sống lưu vong vì thất bại chính trị.

Trước thông tin trên, Pheu Thai giảm nhẹ ý nghĩa cuộc gặp, khẳng định đây chỉ là cuộc hội ngộ nhân dịp Tết âm lịch nhưng các nhà quan sát chính trị cho rằng, đó là dấu hiệu mới nhất cho thấy ông Thaksin đang điều khiển chiến dịch tranh cử từ xa.

Các nhà phân tích cũng cho biết, bản chất “nửa kín nửa hở” của cuộc gặp đó cho thấy, đảng Pheu Thai không ngại thể hiện rằng họ dù đứng trước nguy cơ giải thể nhưng vẫn nhận được nhiều yêu mến.

“Cuộc gặp tại Hong Kong và Singapore được chính các lãnh đạo đảng này gặp ông Thaksin công bố, đồng nghĩa, đảng Pheu Thai vẫn là đảng của ông Thaksin và đó không phải đảng của chính trị gia “hạng xoàng”, nhà nghiên cứu chính trị Thái Lan tại Đại học Queensland, Australia, Patrick Jory nhận định.

Ông Jory cho rằng: “Bạn cần phải hiểu, với những người ủng hộ, danh tiếng “Thaksin” có sức mạnh như thế nào... Đối với những người ủng hộ ông ở tầng lớp lao động, Thaksin vẫn được nhìn nhận như một vị anh hùng - người luôn thực hiện những gì đã hứa”.

38

Sudarat Keyuraphan là một trong những thành viên sáng lập đảng Thai Rak Thai

Dù lưu vong, Thaksin vẫn gắn liền với Pheu Thai

Các đảng có liên kết với ông Thaksin đều giành chiến thắng trong 6 cuộc bầu cử được tổ chức từ năm 2001. Sự thống trị của họ trùng khớp với một thập kỷ chính trị Thái Lan đảo lộn. Quân đội ủng hộ tầng lớp giàu có đã thực hiện 2 cuộc đảo chính trong năm 2006 và 2014.

Thaksin là Thủ tướng Thái Lan từ năm 2001 cho đến khi ông bị lật đổ năm 2006. Lúc này ông đã bị cấm tham gia vào chính trị và bắt đầu chạy sang nước ngoài sống lưu vong. Hai năm sau, ông bị tuyên án vắng mặt 2 năm tù vì lạm dụng quyền lực bất chấp đảng Pheu Thai cho rằng bản án này có động cơ chính trị.

Em rể ông Thaksin - Somchai Wongsawat tạm thời giữ vị trí này trong năm 2008, sau đó bà Yingluck trở thành Thủ tướng từ năm 2011 cho đến khi xảy ra đảo chính năm 2014. Bà Yingluck bị tuyên án 5 năm tù vì liên quan tới chương trình trợ giá gạo thất bại thời bà còn là người đứng đầu Chính phủ.

Ông Duncan McCargo, đồng tác giả cuốn sách Thaksin hóa Thái Lan cho biết, mặc dù ông Thaksin đi lưu vong tới hơn 1 thập kỷ nhưng trong suy nghĩ của những cử tri, Đảng Pheu Thai vẫn gắn bó chặt chẽ với ông. “Ông không thể tự mình ứng cử vào năm 2007 và 2011 nhưng ảnh hưởng của ông thì không hề thay đổi”, vị giáo sư đến từ Đại học Leeds cho biết.

Một mục tiêu khác trong cuộc gặp mặt giữa nhà Thaksin với các lãnh đạo đảng được cho là củng cố sự thống nhất trong nội bộ đảng giữa bối cảnh nhiều quan ngại rằng, các lãnh đạo quân đội nước này đang tìm cách chia rẽ họ trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra trong năm tới.

Nhân vật nào lọt vào “mắt xanh” ông Thaksin

Truyền thông Thái Lan dẫn lời các nhân vật đảng Pheu Thai đã gặp Thaksin cho biết, người được mệnh danh là “Thủ tướng CEO” kêu gọi họ ủng hộ đồng minh lâu năm Sudarat Keyuraphan làm lãnh đạo Đảng.

Bà Sudarat và ông Thaksin đều giữ chức Bộ trưởng trong những năm 90 của thế kỷ XX dưới thỏa thuận Chính phủ liên minh. Bà Sudarat, 56 tuổi là một trong những thành viên sáng lập đảng Thai Rak Thai, là hiện thân đầu tiên của phong trào chính trị lấy nông thôn làm gốc và ủng hộ ông Thaksin.

Ông Paul Chambers, nhà khoa học chính trị tại Thái Lan cho rằng, gốc rễ của bà Sudarat tại Bangkok là “liều thuốc bổ” cho đảng Pheu Thai giúp họ cạnh tranh ảnh hưởng với Đảng Dân chủ (Đảng được tầng lớp giàu có thành thị ủng hộ).

Ông Chambers và các nhà phân tích khác cho rằng, Sudarat cũng là sự lựa chọn tốt trong mắt ông Thaksin vì bà đang duy trì các mối quan hệ với lãnh đạo cấp cao trong Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia bao gồm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan.

Những mối quan hệ này rất quan trọng vì số phận chính trị của bà và đảng Pheu Thai song hành với những gì chính quyền quân quản hiện nay thông qua liên quan tới bầu cử.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.