Do không thương lượng được với Trung Quốc, Thái Lan tự đầu tư đường sắt cao tốc |
Thủ tướng Prayut Chan-ocha mới đây tuyên bố, Thái Lan sẽ tự đứng ra đầu tư xây dựng tuyến đường sắt cao tốc lên vùng Đông Bắc thay vì đi vay vốn từ Trung Quốc và chỉ thuê phía Trung Quốc xây dựng và lắp đặt các công nghệ điều khiển của tuyến đường sắt.
Vì lợi ích quốc gia
Tuyên bố được đưa ra trong chuyến thanh sát dự án đường sắt cao tốc nối Bangkok với tỉnh Nakhonratchasima. Ông Prayut Chan-ocha nói rằng, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bên lề Hội nghị Mekong - Lan Thương, ông nhấn mạnh rằng, Thái Lan sẽ tự mình đầu tư cho dự án đường sắt có tốc độ lên tới 250 km/h. Dự án này sẽ được khởi công vào tháng 7 (thay vì tháng 5 như dự kiến ban đầu).
Trong các cuộc đàm phán kéo dài 2 năm qua, hai bên không đạt được thỏa thuận về các khoản vay mà Bắc Kinh dành cho Bangkok liên quan đến dự án. Cụ thể, Thái Lan cho rằng, kinh phí của dự án này vào khoảng 170 tỷ baht (khoảng 4,8 tỷ USD), trong khi đó Trung Quốc ước tính con số này khoảng 190 tỷ baht (khoảng 5,4 tỷ USD).
Thái Lan muốn Trung Quốc góp 60% vì Bắc Kinh hưởng lợi nhiều do đây là một phần của kế hoạch đường sắt xuyên Á nhưng bị từ chối. Bất đồng khác là về lãi suất khoản vay của Bắc Kinh mà Bangkok cho là quá cao. Thái Lan muốn lãi suất không quá 2%, nhưng Trung Quốc không đồng ý. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đòi quyền quản lý dự án.
Tuy nhiên, do không thể hủy bỏ hẳn thỏa thuận đã ký, Thái Lan vẫn sẽ sử dụng một số công nghệ của Trung Quốc. Theo Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan, Thiếu tướng Sansern Kaewkamnerd, Thái Lan vẫn thuê nhà thầu Trung Quốc được Chính phủ nước này đảm bảo để thực hiện một phần trong dự án. Phía Trung Quốc sẽ chuyển giao công nghệ và giúp Thái Lan đào tạo kỹ sư và nhân viên cho dự án này.
Chính phủ Thái Lan giải thích việc tự đầu tư thay vì vay vốn từ Trung Quốc là vì lợi ích quốc gia. Thiếu tướng Sansern Kaewkamnerd nói: “Thủ tướng đã đưa ra quyết định trên cơ sở lợi ích quốc gia cho hiện tại và tương lai. Thái Lan đã từng nhận các bài học đau đớn liên quan đến những dự án hợp tác cấp Chính phủ trong quá khứ. Chúng tôi phải lấy lợi ích quốc gia làm trọng. Chúng tôi không chỉ nói, mà phải làm đúng như thế”.
Dự án đường sắt cao tốc Thái Lan là một phần trong kế hoạch thiết lập mạng lưới giao thông trên toàn Đông Nam Á của Bắc Kinh và cũng là một phần trong sáng kiến con đường tơ lụa trên bộ, với tuyến đường sắt nối từ Côn Minh (Trung Quốc) tới Singapore, đi qua Lào, Thái Lan, Việt Nam. Trong mạng lưới này, đoạn đi qua Thái Lan dài 873 km nối từ cảng biển công nghiệp Laem Chabang của Thái Lan tới biên giới Thái Lan – Lào.
Vẫn có thể hợp tác tiếp
Theo các nhà phân tích tài chính, việc Thái Lan đánh giá chi phí dự án thấp hơn khiến hai bên không thống nhất được với nhau. Ngoài ra, việc không sẵn lòng bỏ tiền vào dự án này cho thấy, sự chuyển hướng của Bắc Kinh khi yêu cầu về lợi nhuận cao hơn cả những lợi ích địa chính trị từ các đầu tư cơ sở hạ tầng nước ngoài.
Năm 2010, khi nhất trí về dự án này với chính quyền do Đảng Dân chủ lãnh đạo của Thái Lan, Trung Quốc tuyên bố sẽ gánh hầu hết tiền đầu tư, để vừa thúc đẩy thương mại khu vực theo thỏa thuận FTA ASEAN - Trung Quốc, vừa thể hiện khả năng xây dựng đường sắt.
Đến nay, dù tuyên bố tự đầu tư, nhưng Thủ tướng Thái Lan vẫn muốn tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong mạng lưới đường sắt trên toàn Đông Nam Á. Thực tế, đoạn đường sắt cao tốc trên chỉ chiếm 250 km trong dự án đường sắt hợp tác giữa 2 nước. Bất đồng trên một tuyến này không đồng nghĩa với việc Thái Lan sẽ tự đầu tư toàn bộ phần còn lại của mạng lưới đường sắt trên lãnh thổ. Một số nhà phân tích cho rằng, vì lợi ích cũng như mục đích của cả 2 bên, Thái Lan và Trung Quốc sẽ sớm đàm phán lại với nhau về các điểm bất đồng liên quan đến dự án đường sắt cao tốc.
Ông Korn Chatikavanij, Cựu Bộ trưởng Tài chính Thái cho rằng, nếu 2 bên thực hiện dự án, thì gánh nặng tài chính không nên rơi hoàn toàn vào Thái Lan: “Giá trị của dự án đường sắt Trung Quốc từ Côn Minh sẽ đến đâu nếu nó chỉ dừng lại ở Lào mà không mở rộng qua Thái Lan?
Tất nhiên là không nên yêu cầu Trung Quốc làm điều mà họ không muốn, nhưng Thái Lan cũng có những ưu tiên khác cần chi tiêu và thỏa thuận cần phải chấp nhận được và có lợi cho người dân Thái Lan”. Kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014, Chính phủ Thái Lan do quân đội hậu thuẫn đã cố gắng xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc sau khi Mỹ và các nước châu Âu chỉ trích cuộc đảo chính của nước này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận