TIN LIÊN QUAN |
---|
Tàu Trung Quốc phun vòi rồng uy hiếp tàu thực thi pháp luật của Việt Nam |
Không mơ hồ
“Vụ việc giàn khoan Haiyang Shiyou 981” một lần nữa bộc lộ rõ tham vọng và ý đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Dù là trên cơ sở lịch sử, pháp lí hay thực tế, Trung Quốc chưa bao giờ có chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa. Với cách tiếp cận hợp lý, Việt Nam đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của dư luận quốc tế, trong đó, có lẽ lần đầu tiên cả thế giới phương Tây đã lên tiếng phản đối Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam. Nước Mỹ, từ các quan chức, bộ trưởng, quốc hội, tổng thống… đều chỉ trích mạnh mẽ hành động gây hấn của Trung Quốc.
Trả lời hãng tin Reuters và AP, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó”. Thủ tướng cũng nhấn mạnh Việt Nam không đơn phương sử dụng biện pháp quân sự, luôn nhất quán sử dụng các biện pháp hoà bình.
"Đây là thời điểm chúng ta cần và hoàn toàn có đủ điều kiện để chuyển mạnh từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình luật chơi chung”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Thậm chí, các học giả chân chính của Trung Quốc cũng phải lên tiếng nói lên sự thật chủ quyền trên biển nhờ chính sách mềm dẻo mà cương quyết của Việt Nam, như học giả hàng đầu Trung Quốc Lý Lệnh Hoa (nguyên thành viên Trung tâm Tin tức hải dương Trung Quốc) khẳng định: Trung Quốc không có bất kỳ căn cứ nào để xác định “đường chín đoạn” và “các học giả và phương tiện truyền thông đã góp phần không nhỏ vào việc kích động người dân về vấn đề biển Đông” khi không đưa ra được căn cứ cụ thể để chứng minh những tuyên bố phi lý của Trung Quốc ở biển Đông là đúng.
Chính sách đối ngoại mềm mỏng mà cương quyết của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trên khắp thế giới, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tuyên bố, sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải. “Đây là một thời điểm với những thách thức to lớn… Chúng ta không bao giờ được quên rằng, những căng thẳng cần phải được giải quyết thông qua đối thoại và phù hợp với các nguyên tắc nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc”, ông Ban Ki-moon nói.
Tuy đã buộc phải “di chuyển” giàn khoan, song chắc chắn Trung Quốc chưa và không bao giờ từ bỏ dã tâm hiện thực hóa yêu sách biên giới biển theo “đường lưỡi bò” của mình, bằng mọi thủ đoạn trên tất cả các lĩnh vực. Trung Quốc hoàn toàn có thể lặp lại hành động tương tự, tạo ra “sự đã rồi”, sau đó sẽ chủ động đàm phán - một dạng đàm phán không bao giờ có kết quả.
Giàn khoan Haiyang Shiyou 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN đã buộc phải “rút lui” |
Cân bằng kinh tế và địa chính trị
Tại Hội nghị “Đối ngoại đa phương thế kỷ XXI và khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam” ngày 12/8 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố: “Trong công cuộc bảo vệ chủ quyền của đất nước, đặc biệt trong tình hình biển Đông hiện nay, chúng ta cần coi trọng vai trò, tiếng nói của các thể chế, các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc, ASEAN, phong trào không liên kết.
Chính sự ủng hộ mạnh mẽ của bạn bè quốc tế tại các diễn đàn đa phương đã góp phần quan trọng đề cao chủ trương giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, các nguyên tắc ứng xử của khu vực, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.
Đối ngoại đa phương đã tỏ rõ tầm quan trọng và phát huy vai trò trong Hội nghị các ngoại trưởng ASEAN vừa diễn ra tại Myanmar với sự tham dự của Ngoại trưởng 27 nước (10 nước ASEAN và 17 đối tác ngoài ASEAN); Bất chấp chiến thuật gây ảnh hưởng của Trung Quốc, cũng như sự chia rẽ còn tồn tại trong nội khối, các Ngoại trưởng đã ra thông cáo chung “thúc giục các bên liên quan thực hiện kiềm chế và tránh các hành động gây phức tạp tình hình và làm phương hại đến hòa bình, ổn định và an ninh ở biển Đông; Giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, bao gồm đối thoại thân thiện, tham vấn và thương lượng, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)”.
Ông Pascal Lamy - nguyên Tổng Giám đốc WTO nhận định: Chủ nghĩa đa phương vẫn được phát triển theo chiều hướng tích cực trong xu thế hiện nay, trong bối cảnh địa chính trị, địa kinh tế hiện tại. Trong mô hình đa phương, những vấn đề liên quan đến địa kinh tế, địa chính trị vẫn thu hút sự chú ý của các quốc gia trong việc ứng phó tập thể với các thách thức chung. Như Việt Nam, vấn đề đang phải đối mặt là làm thế nào để cân bằng tăng trưởng kinh tế với các vấn đề về địa chính trị.
Trên cơ sở đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ…”, Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, điều kiện và yếu tố quan trọng hàng đầu để Việt Nam giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là sự đồng tâm nhất trí của 90 triệu người dân Việt Nam, là sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, là sức mạnh ngày càng tăng về chính trị, kinh tế, quốc phòng an ninh... của chính chúng ta.
Đăng Song - Quang Minh
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận