Lực lượng chức năng nỗ lực tìm kiếm 2 phu vàng trong mỏ vàng trái phép ở thôn Lộng, xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình (Chụp sáng 6/11) |
Công cuộc giải cứu được thực hiện trách nhiệm, khẩn trương.
Mặc dù vậy, những hình ảnh được ghi nhận trực tiếp từ hiện trường, nhiều người không khỏi xót xa, lo lắng. Xót xa, lo lắng là bởi đến nay chưa xác định được vị trí hai phu vàng mắc kẹt, cũng chưa rõ tình trạng sức khỏe, tinh thần của họ. Nếu may mắn còn sống, họ đang trong tình trạng thiếu thức ăn, nước uống, ánh sáng, không khí. Nghĩa là họ từng giờ, từng phút phải chạy đua với tử thần. Thời gian cứu hộ càng kéo dài, cơ hội sống sót của hai phu vàng càng hẹp lại.
Trong khi đó, lực lượng cứu hộ đa phần đầu trần, chân đất, dầm mình trong bùn đất lạnh. Chiếc máy xúc, vài ống dẫn nước, dẫn bùn và lực lượng cứu hộ nhìn lọt thỏm giữa không gian rộng lớn. Phương tiện thô sơ, lực lượng mỏng, thiếu chuyên nghiệp, trang thiết bị bảo hộ gần như không có, tác nghiệp giữa địa hình hiểm trở. Có thể nói, dù rất ghi nhận sự nỗ lực của lực lượng cứu hộ Hòa Bình, song nhiều người chúng ta không tránh khỏi cảm giác họ giống như “Don Quixote” chống chọi với “cối xay gió”!
Biết rằng những cuộc giải cứu người mắc kẹt trong hang sâu luôn là một thử thách vô cùng khắc nghiệt, không chỉ với Việt Nam mà với cả các nước có công nghệ, máy móc hiện đại, tinh nhuệ. Cuộc giải cứu đội bóng nhí Moo Pa (Lợn Rừng) của Thái Lan bị kẹt trong hang Tham Luang đã kéo dài tới 18 ngày đêm. Để giải cứu thành công các cầu thủ nhí, đã có hơn 1.000 người tham gia, bao gồm từ lực lượng hải quân, công binh, cứu hộ chuyên nghiệp đến những tình nguyện đến giúp đỡ, phục vụ bữa ăn cho lực lượng cứu hộ. Sát cánh bên những người bạn Thái là hàng chục thợ lặn từ Anh, Australia, Trung Quốc, Mỹ… và họ đều hành động hoàn toàn tự nguyện, trong đó đặc nhiệm Saman Kunan đã hy sinh cả tính mạng của mình.
Do đó, nếu chỉ để đội ngũ cứu hộ của huyện Lạc Thủy, hay kể cả là của tỉnh Hòa Bình loay hoay như ba ngày vừa qua, với những phương tiện khá thô sơ, cơ hội thành công sẽ rất mong manh. Cuộc giải cứu cần được đầu tư hơn nữa từ trang thiết bị hiện đại đến lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp hơn nữa, từ địa phương cũng như Trung ương, nếu cần. Bởi tính mạng con người luôn quý giá nhất!
Tất nhiên, để cuộc giải cứu thành công, đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực của lực lượng cứu hộ bên ngoài, mà còn cần cả sự nỗ lực từ chính nạn nhân. Trong trường hợp này, hai phu đào vàng, vốn đã quen làm việc trong môi trường hang sâu, thiếu nhiều điều kiện tối thiểu - chính là một “điểm cộng” để chúng ta hy vọng họ có đủ sức khỏe, kỹ năng sinh tồn và đặc biệt là tinh thần sắt đá, niềm tin lớn lao để tìm mọi cách tồn tại.
Và chỉ khi có trong - ngoài hiệp lực, không chỉ bằng trách nhiệm, mà còn bằng sự đoàn kết, sát cánh và hơn thế là bằng sức mạnh của tình yêu thương, hai phu vàng có thể được cứu sống. Dù điều đó có mong manh đến mấy, nhưng không hiếm khi, điều kỳ diệu, phi thường vẫn có thể xảy ra, như vụ giải cứu đội bóng “Lợn Rừng” của Thái Lan. Bởi vậy, chúng ta vẫn cho phép mình chờ đợi những điều như cổ tích, tại sao không?
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận