Kinh tế

Thất thoát cực lớn từ tư nhân hóa đất công

20/12/2018, 07:00

Đây là một trong những lỗ hổng gây thất thoát lớn tài sản đất đai được cơ quan kiểm toán cũng như...

14

Vụ chuyển nhượng hơn 30ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè giá 419 tỷ đồng cho CTCP Quốc Cường Gia Lai là một dẫn chứng về việc thất thoát tài sản Nhà nước từ đất đai - Ảnh: Lê Quân

Tư nhân hóa ngầm đất công

Ngày 4/7/2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn 6271/VPCP-V.I yêu cầu tỉnh Bắc Giang báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/8/2018 về việc tỉnh “cho mượn” hơn 17.000m2 đất công thuộc Công viên Hoàng Hoa Thám (phường Hoàng Văn Thụ, TP Bắc Giang) làm sân tập golf, với thời hạn tới 48 năm. Cũng tại địa phương này, cơ quan quản lý lách luật, tách lô đất lớn thành nhiều thửa có giá trị dưới 10 tỷ đồng để cho thuê đất theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành thay vì đấu thầu theo quy định. Cả hai vụ việc trên đều gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước.

Trước đó, tháng 4/2018, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã họp khẩn và yêu cầu Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận đàm phán với Công ty CP Quốc Cường Gia Lai để hủy hợp đồng chuyển nhượng khu đất hơn 30ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè với giá chỉ 419 tỷ đồng, tương đương 1,29 triệu đồng/m2 trong khi mặt bằng giá thị trường không dưới 2.000 tỷ đồng.

Đây là 3 trong số nhiều ví dụ về sai phạm trong quản lý đất đai tại các địa phương thời gian qua, gây thất thoát không nhỏ tài sản đất đai của Nhà nước. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, sự thất thoát tài sản đất đai còn thông qua việc chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh, theo tỷ lệ góp vốn và phân chia lỗ lãi thành chuyển nhượng luôn khu đất sang tay tư nhân theo “quy trình tắt”, không công khai và không qua đấu giá. Ông Phong lấy ví dụ trường hợp Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm) mua, bán nhà, đất công sản tại Ðà Nẵng và một số tỉnh, thành phố khác…

Cứ thanh tra là “lộ” sai phạm

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay, việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp có vị trí đắc địa sang mục đích khác, tại Hà Nội, trong giai đoạn 2003 - 2016, có 69 dự án với tổng diện tích 180ha đất đã được chuyển đổi từ đất sản xuất, trụ sở sang đất ở, văn phòng và trung tâm thương mại.

Thanh tra trực tiếp tại 38 dự án có vị trí đắc địa tại các quận nội thành như: Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai… có 36 dự án sai phạm. Trong đó, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất 32 lượt dự án; vi phạm quy hoạch xây dựng 20 lượt dự án; nợ tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp 8 dự án. Tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra tại các dự án chuyển mục đích sử dụng đất có vị trí lợi thế kinh doanh 3.974 tỷ đồng.

"Giai đoạn 2014-2018 cho thấy sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai vẫn diễn ra phổ biến, thường xuyên, phức tạp, ở hầu hết các nội dung và cấp quản lý, tổ chức cá nhân sử dụng đất với các mức độ từ ít nghiêm trọng đến nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng, kéo dài và chậm xử lý gây hậu quả lớn về kinh tế - xã hội. Sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai do nguyên nhân chủ quan, cố tình vi phạm pháp luật của tổ chức và cá nhân có liên quan, do đó cần phải nhận diện, phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời, tránh thất thoát tài sản Nhà nước và xã hội”.

Chuyên gia kinh tế
Vũ Đình Ánh

Hàng loạt dự án tại Hà Nội được chỉ rõ gây thất thoát ngân sách do không quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư kinh doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất như: Dự án Tràng An Complex của GP Invest (số 1 Phùng Chí Kiên); Dự án 365A Minh Khai của VinaHud - Vinaconex; Dự án Five Star Westlake của GFS (167 Thụy Khuê); Dự án Rivera Park của Long Giang Group (69 Vũ Trọng Phụng); Dự án King Palace của Alphanam (108 Nguyễn Trãi); Dự án Hanoi Aqua Central của CTCP Tháp nước Hà Nội (44 Yên Phụ); Dự án Season Avenue của Capitalland (430 Cầu Am)…

Đặc biệt, dự án tại lô đất C3 thuộc dự án Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính là khu đất sạch có hạ tầng được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhưng năm 2009 Hà Nội thu hồi lô đất này và giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án không thông qua đấu giá...

Hay như rà soát của Tổng cục Thuế từ 1/7/2014 đến 30/11/2016 cũng ”lộ” ra 60 trường hợp DNNN, DNNN cổ phần được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng không tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa và không thực hiện đấu giá khi cổ phần hóa.

Các dự án này tập trung ở 8 tỉnh, thành: Hà Nội (24 dự án, chiếm gần 50%), TP HCM (11 dự án), Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Lâm Đồng, Nghệ An, Nam Định, Quảng Ninh. Đây chủ yếu là các khu “đất vàng” đã được thực hiện mua bán, sang nhượng cho các nhà đầu tư khác. Doanh nghiệp Nhà nước chỉ còn đứng tên chủ đầu tư trên danh nghĩa.

Chẳng hạn, dự án Riva Park (504 Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP HCM) được chuyển đổi 4.785m2 đất sản xuất kinh doanh sang làm dự án quy mô 18 tầng, 320 căn hộ cao ốc thương mại dịch vụ của Công ty CP Công nghiệp cao su Miền Nam làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, Vietcomreal mới là chủ thật sự và đã bán gần hết các căn hộ ở đây.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.