Người dân làm thủ tục đăng ký kinh doanh tại Hà Nội (Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh) |
Trong cuộc đối thoại với lãnh đạo các tỉnh chiều 14/3, trong khuôn khổ buổi công bố bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết, để nỗ lực cải thiện chỉ số này, có địa phương, những lãnh đạo cao nhất đều tham gia vào Ban cải cách PCI. Từ đó, tạo ra sự chuyển mình của những "người khổng lồ" này.
Bí thư, Chủ tịch TP Hà Nội “vi hành” hàng tuần
Theo kết quả được công bố, Thủ đô Hà Nội với nỗ lực vượt 10 bậc trong một năm đã lần đầu vươn lên xếp hạng thứ 14, nằm trong nhóm Tốt với 60,74 điểm.
Phó giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Trần Ngọc Nam cho hay, để cải thiện PCI của TP, cả Bí thư và Chủ tịch TP Hà Nội đều vào cuộc. Thậm chí, hai lãnh đạo cao nhất của TP còn trực tiếp đi “vi hành” hàng tuần, yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành tham gia các buổi họp, mời doanh nghiệp đến phản ánh và lãnh đạo các sở, ngành phải giải đáp ngay, vấn đề không giải đáp được ngay thì phải ghi lại, hẹn thời gian, địa điểm cụ thể trả lời… Hà Nội yêu cầu các sở, ngành báo cáo hàng tuần, trên cơ sở đó đánh giá mức độ hoàn thành của cán bộ.
Bảng xếp hạng PCI 2016 1. Đà Nẵng 54. Cà Mau |
Là tỉnh xếp ở vị trí thứ 3 với 64,69 điểm, Đồng Tháp lần thứ 9 đứng trong Top 5 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất. Đồng Tháp cũng là địa phương có mô hình “Cà phê doanh nhân” được các tỉnh khác học hỏi trong hơn một năm qua. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, từ mô hình hàng tuần, tới nay mỗi ngày từ 6h30 - 7h30 sáng, các lãnh đạo tỉnh đều ngồi ở quán cà phê của khuôn viên ủy ban để gặp gỡ doanh nghiệp. Các vấn đề, vướng mắc của doanh nghiệp đã được văn phòng chuyển tới lãnh đạo tỉnh qua email từ chiều hôm trước để trong buổi cà phê sáng trao đổi lại và chuẩn bị các phương án giải quyết, thủ tục nhanh nhất cho doanh nghiệp. “Ban đầu có thể là nơi để doanh nghiệp bày tỏ những khó khăn, sau đó là những hiến kế cho địa phương. Ngược lại, lãnh đạo địa phương có thể qua đó thăm dò ý kiến doanh nghiệp, để bồi dưỡng về kinh tế thị trường, tư duy cho lãnh đạo tỉnh, giúp lãnh đạo tiếp cận được tư duy thị trường và vận dụng vào việc quản lý của địa phương”, ông Hùng nói.
Cải thiện chỉ số PCI theo cách quyết liệt hơn, theo đại diện Sở KH&ĐT Thái Nguyên (xếp thứ 7 bảng xếp hạng và đứng đầu nhóm Tốt): “Bên cạnh mô hình “Cà phê doanh nghiệp”, lập tổ tham mưu, chúng tôi xuống tận phường, xã, trao đổi, tiếp xúc với doanh nghiệp và chỉ đạo cán bộ chính quyền sở tại. Nếu có phản ánh và công chức không tuân thủ sẽ bị thuyên chuyển”, vị này cho biết. Cũng chính vì thế mà Thái Nguyên đã có chuyển biến tích cực được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Ông Vũ Tiến Lộc thông tin thêm, trước đó cũng “có một Giám đốc Sở KH&ĐT bị điều chuyển do thực hiện không tốt khi phối hợp nâng cao PCI của tỉnh”.
Theo Chủ tịch VCCI, bên cạnh Đà Nẵng là địa phương lần thứ 4 liên tiếp xếp hạng nhất thì các địa phương như: TP.HCM, Vĩnh Phúc, Quảng Nam… cũng nhận được nhiều đánh giá tích cực của các doanh nghiệp dân doanh về nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.
66% doanh nghiệp vẫn phải trả chi phí không chính thức
Nhóm nghiên cứu PCI cho hay, so với năm ngoái, các chuyển biến của địa phương năm nay được ghi nhận ở các lĩnh vực năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh, đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng… Tuy nhiên, báo cáo PCI 2016 vẫn chỉ ra chi phí không chính thức giai đoạn 2014-2016 chưa có dấu hiệu cải thiện, thậm chí các chỉ tiêu đo lường ở giai đoạn này dường như diễn biến theo xu hướng tiêu cực hơn so với giai đoạn 2008-2013. Cụ thể, trung bình có khoảng 66% doanh nghiệp tại một số tỉnh thuộc top giữa phải “móc hầu bao” cho các khoản không chính thức, cao hơn 12-15% so với giai đoạn 2008-2013. Có 9-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014-2016 cho biết, các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước đó.
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu VCCI, trong năm qua có 65% doanh nghiệp làm ăn có lãi. Đây là mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Lần đầu tiên trong 12 năm qua, quy mô vốn trung bình của các doanh nghiệp đã tăng lên đến mức cao nhất, bình quân 18,1 tỷ đồng, gấp đôi năm 2006 (là 7,5 tỷ đồng). Tỷ lệ doanh nghiệp tuyển thêm lao động cũng tăng từ 12% năm 2015 lên 13% năm 2016. Các doanh nghiệp lạc quan về triển vọng kinh doanh với 48% doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất trong hai năm tới. |
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phản ánh tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến. Chỉ tiêu này dù được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% năm 2013-2014 xuống còn 58% năm 2016) nhưng cao hơn hẳn kết quả điều tra các năm trước đó (2006-2012).
Dù vậy, nhóm nghiên cứu cho rằng, “một bàn tay vỗ không lên tiếng” khi nhiều doanh nghiệp chủ động đưa quà cho cán bộ thanh, kiểm tra như một “khoản bảo hiểm” cho hoạt động, trong đó có cả các doanh nghiệp FDI. Dù tỷ lệ doanh nghiệp bôi trơn để có được giấy phép đầu tư và cạnh tranh giành hợp đồng với cơ quan Nhà nước giảm đi so với năm 2015 nhưng vẫn có tới 25% các doanh nghiệp FDI thừa nhận rằng, họ đã trả tiền bôi trơn để có được giấy phép đầu tư và 13,6% trả hoa hồng khi cạnh tranh giành các hợp đồng của cơ quan Nhà nước. “Chi phí thực sự của tham nhũng không chỉ bao gồm các khoản bôi trơn trực tiếp, mà còn bao gồm hiệu quả mất đi khi nhà thầu được chọn lựa không dựa trên năng lực thực chất”, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế, VCCI cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận