Đọc một số bài viết trên báo Giao thông gần đây về chuyện người đi đường bỏ mặc nạn nhân bị TNGT, khiến nhiều người mất đi cơ hội được sống , thực sự tôi rất muốn có đôi lời chia sẻ về vấn đề này.
Là lái xe du lịch hơn 10 năm, nay chuyển sang lái xe hợp đồng, tôi đã chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn trên đường, cũng đã nếm trải gần như đủ cả những phiền phức, oan ức từ việc cứu người. Nhưng sau tất cả, chưa bao giờ tôi từ bỏ việc giúp đỡ cấp cứu các vụ tai nạn.
Người Việt có thói quen tò mò, nên ở nhiều nơi, cứ thấy tai nạn là mọi người nhanh chóng tập trung xung quanh. Có điều dân đứng xem, chỉ trỏ thì lắm mà người đứng ra giúp đỡ thì hiếm hoi lạ lùng.
Nhiều người đi đường thờ ơ bỏ mặc nạn nhân bị nạn nằm bất động trên đường (Ảnh minh họa: Internet) |
Không cần phải tốn công sức điều tra xã hội hay phân tích các trường hợp cụ thể chắc mọi người cũng biết nguyên nhân là bởi họ sợ phiền phức và muốn… "nhường" nhau, nghĩ mình không làm kiểu gì cũng có người khác làm.
Bản thân tôi luôn quan niệm “Cứu một người bằng xây bảy toà tháp”, nên chưa bao giờ nề hà việc tham gia cấp cứu các vụ TNGT. Mặc dù trong những lần cứ người ấy có hơn nửa số lần phải “mang vạ”, và có những vụ việc không bao giờ quên.
Lần thứ nhất là vào năm 2000, tôi gặp một vụ tai nạn xe máy, và đưa một nam thanh niên say xỉn vào cấp cứu tại bệnh viện gần đó. Sau khi thông báo cho người nhà qua điện thoại của nạn nhân, tôi ngồi đợi họ đến bệnh viện. Thế nhưng, khi 3 người nhà nạn nhân đến nơi, tôi chưa kịp mở miệng đã bị tấn công tới tấp vào mặt, vào đầu đến choáng váng. Đến khi mọi người và cả bác sĩ vào can ngăn và giải thích, việc hành hung mới dừng lại.
Chưa hết, sau khi người say đó tỉnh lại bất ngờ kêu mất ví tiền, nhẫn vàng! Thế là tôi lại bị tấn công lần thứ 2 cùng với khám xét toàn thân. Mặc cho tôi đã cố gắng giải thích không biết anh ta bị tai nạn ra sao, khi đến nơi đã thấy nằm trên đường, người nhà nạn nhân cũng không thèm quan tâm. Cũng may sau một hồi kiểm tra chẳng thấy gì họ thả cho tôi về. Có điều một lời xin lỗi họ cũng không thèm dành cho chứ đừng nói đến việc hỏi thăm tôi có đau không.
Lần tiếp theo là sự vụ cách đây vài năm, trên đường lái xe lên Sơn Tây, vì trời mưa xe đi khá chậm nên tôi phát hiện một vụ tai nạn. Nạn nhân đi xe máy lúc đó nằm bên vệ đường, vết thương ở chân chảy nhiều máu. Tôi vội vàng dừng xe lại, băng bó tạm thời vết thương, định đưa anh ta đi bệnh viện thì bất ngờ có 1 đám đông xuất hiện, khăng khăng cho rằng tôi là người gây tai nạn. Sau đó, tôi không những đưa nạn nhân đến bệnh viện mà còn mất cả ngày trời tường trình vụ việc tại cơ quan công an vì nạn nhân tỉnh lại bảo không nhớ gì.
Lần gần đây nhất tôi giúp một bé trai đi xe đạp, bị xe máy đâm vào, bất tỉnh và đưa cháu vào bệnh viện. Lúc đầu các bác sĩ nói là phải ở lại với bệnh nhân vì cháu không có giấy tờ. Tuy nhiên, do có hẹn đón khách, không thể ở lại bệnh viện tôi ngỏ ý muốn nhờ cậy bác sĩ thì nhận được câu trả lời, bận thì chở người ta vào công an phường, bệnh viện không có ai trông được.
Không nỡ bỏ mặc cậu bé ở bệnh viện khi chưa tỉnh, tôi đành đưa cháu vào công an phường. Nhưng cũng như bệnh viện, họ không đồng ý cho ở đó, nói là đã giúp thì giúp cho trót. Cuối cùng tôi đành phải đưa cháu về nhà người quen nhờ vả sau khi tỉnh lại mới liên lạc với gia đình rồi đưa cháu đi bệnh viện kiểm tra.
Chuyện phiền phức, oan ức đã từng gặp kể ra thì nhiều nhưng tôi chưa bao giờ nề hà hay chán nản vì đã cứu người bởi nếu mắt thấy mà tay chân không làm thì tâm trí không được thanh thản. Việc làm của tôi có trời đất chứng giám. Làm việc tốt cho đời, cho người chứ không phải cầu được cảm ơn, đền đáp. Giúp nhiều người, có người cư xử không phải nhưng cũng có những gia đình trân trọng và ghi nhớ việc tốt của mình.
Hơn nữa chuyện tương lai cũng chẳng thể nói trước được, nếu sau này không may gặp phải vận đen, tai nạn gì cũng sẽ được phù hộ.
Và quan trọng nhất là sau mỗi chuyến công tác xa nhà, tôi có những câu chuyện trên đường kể cho các con nghe. Để các con thấy rằng xã hội không chỉ toàn màu hồng nhưng cũng không bao giờ thiếu đi sự ấm áp của tình người. Nghĩ như vậy mới thấy, được cứu người là phúc phần của mình, mọi người không cần phải "nhường" nhau.
Nguyễn Đức Hùng (Thạch Thất, Hà Nội)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận