Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chủ trì cuộc họp chiều 7/9 |
Nhà thầu phải chịu trách nhiệm hoàn trả đường công vụ
Tại cuộc họp, ông Dương Viết Roãn, Phó cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT cho biết, 39 dự án trên QL1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và 11 dự án thuộc đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên do Bộ GTVT triển khai từ năm 2013 đã hoàn thành, đưa vào khai thác. Tuy nhiên, theo ông Roãn, hiện một số dự án vẫn còn tồn tại, vướng mắc về GPMB, hư hỏng mặt đường, việc hoàn trả đường địa phương phục vụ thi công và việc thi công làm nứt nhà dân.
Cụ thể, trong công tác GPMB có 3 dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Trong đó, 3 dự án vướng mắc mặt bằng các cửa xả và hạ lưu cống; 2 dự án vướng mặt bằng trạm thu phí; 4 dự án vướng về tái định cư và 4 dự án vướng mặt bằng rải rác.
Liên quan tới tình trạng hư hỏng mặt đường, theo ông Dương Viết Roãn, số liệu thống kê cho thấy, tại những dự án trên QL1 các đơn vị thi công mới sửa chữa được 546.361m2 (chiếm 59,66% diện tích mặt đường bị hằn lún), còn lại 369.414m2 chưa được sửa chữa triệt để. Qua theo dõi và kiểm tra thực tế hiện trường, nhiều nhà thầu thi công đã rút hết lực lượng và thiết bị thi công nên việc điều động trở lại để khắc phục sửa chữa những hư hỏng tại một số dự án TPCP rất khó khăn. Nhiều đoạn đã gạt sống trâu tạo phẳng xong nhưng không dọn dẹp, vệ sinh sạch sẽ mặt đường và không xử lý các bước tiếp theo dẫn tới tình trạng mặt đường loang lổ, không có vạch sơn gây mất ATGT. |
Về tồn tại trong quá trình thi công làm nứt nhà dân, ông Roãn nói: “Các dự án mở rộng QL1 có tổng số 34.999 hộ bị ảnh hưởng, trong đó phần kinh phí đền bù ước tính nằm ngoài trách nhiệm của bảo hiểm với kinh phí khoảng 163,56 tỷ đồng. Tương tự, các dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên có 815 hộ bị ảnh hưởng, phần kinh phí đền bù ngoài trách nhiệm của bảo hiểm, khoảng 3,28 tỷ đồng”.
Theo ông Roãn, trên QL1 có 27 tuyến đường công vụ hoàn trả, trong đó 12 tuyến đã có trong dự án đầu tư được duyệt, còn lại 15 tuyến chưa có trong dự án đầu tư được duyệt. “Riêng các dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên có 17 tuyến đường công vụ hoàn trả nhưng đều chưa có trong dự án đầu tư được duyệt”, ông Roãn thông tin.
Về việc 17 tuyến đường công vụ hoàn trả thuộc các dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên chưa có dự án đầu tư, ông Lâm Văn Hoàng, Tổng giám đốc Ban QLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, là do tư vấn thiết kế lập dự án chưa lường hết được các tuyến đường phải hoàn trả cho địa phương, dẫn tới tình trạng thiếu sót như hiện nay. Giai đoạn triển khai dự án, Ban QLDA đường HCM đã rà soát và giao tư vấn khảo sát thiết kế bổ sung.
Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng, Trưởng ban PPP nêu quan điểm: “Việc xác định đường công vụ bị ảnh hưởng thế nào, mức độ hoàn trả ra sao, các Ban QLDA phải là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật và trách nhiệm với Bộ GTVT. Đối với các dự án BOT, trong hợp đồng dự án đã quy định rõ ràng, nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm hoàn trả các tuyến đường công vụ trong quá trình phục vụ thi công dự án”.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho rằng: “Việc hoàn trả đường công vụ trong tất cả các gói thầu, trách nhiệm thuộc về nhà thầu. Trong giá vật liệu đã tính cả chi phí vận chuyển từ mỏ đến tận chân công trình. Trong quá trình vận chuyển, đường hỏng chỗ nào nhà thầu phải sửa ngay chỗ đó”.
Dùng tiền nhà thầu để sửa chữa hư hỏng
Sau khi nghe ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định, việc hoàn trả các tuyến đường công vụ trong quá trình thi công là trách nhiệm của nhà thầu. “Hiện nay, các dự án đang trong giai đoạn thanh, quyết toán, các ban QLDA vẫn còn giữ tiền của nhà thầu, chúng ta sẽ dùng nguồn kinh phí của các nhà thầu có liên quan cho việc hoàn trả đường công vụ. Nhà thầu vận chuyển, mua vật liệu ở đâu, đắt rẻ thế nào phải tính hết chi phí về sản phẩm và phải chịu trách nhiệm, không thể có chuyện nhà thầu vận chuyển vật liệu xong, cơ quan quản lý Nhà nước phải đi sửa đường cho họ”, Bộ trưởng nói.
Đối với việc xử lý tình trạng hư hỏng mặt đường, các dự án BOT, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN thường xuyên theo dõi quá trình khắc phục của nhà đầu tư, dự án nào chậm khắc phục sẽ dừng thu phí. Đối với các dự án Trái phiếu Chính phủ, đoạn đường nào hư hỏng, ban QLDA phải yêu cầu nhà thầu thi công đoạn tuyến đó sửa chữa đảm bảo yêu cầu. “Trong trường hợp, nhà thầu chịu trách nhiệm nhưng không sửa chữa, ban QLDA được quyền sử dụng nguồn tiền còn giữ lại của nhà thầu đó để thuê nhà thầu khác sửa chữa. Các nhà thầu chịu trách nhiệm nhưng không sửa chữa sẽ đưa vào "danh sách đen" của Bộ GTVT”, Bộ trưởng yêu cầu.
Chỉ đạo giải quyết vướng mắc còn tồn tại trong công tác GPMB của các dự án, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa giao các Thứ trưởng được phân công phụ trách tập trung phối hợp, làm việc với các địa phương để giải quyết dứt điểm. “Chậm nhất 30/9, công tác GPMB của dự án phải được chốt lại. Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính phủ cho phép quyết toán dự án, kinh phí GPMB là số tiền đã chuyển cho các địa phương. Sau đó, địa phương sẽ chịu trách nhiệm quyết toán GPMB với Bộ Tài chính và các cấp thẩm quyền”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết thêm, Bộ GTVT cũng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ các hộ dân bị rung nứt trong quá trình thi công các dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận