Chính trị

Thí điểm thi tuyển lãnh đạo: Để không lọt người tài

26/06/2017, 08:16

Theo Bộ trưởng Bộ Nội, làm tốt được việc này sẽ thể hiện tính minh bạch, dân chủ và chọn được đúng người tài.

19

Thi tuyển chức danh phó giám đốc sở tại Quảng Ninh

Bộ Nội vụ vừa ban hành công văn hướng dẫn thực hiện đề án thí điểm đổi mới tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, sở, phòng ở 14 bộ, ngành T.Ư và 22 địa phương. Dự kiến ngày mai (27/6), Bộ Nội vụ sẽ tổ chức họp báo để giới thiệu, triển khai đề án này.

Chọn người giỏi nhất trong số những người đủ tiêu chuẩn

Theo đó, đề án nhấn mạnh nguyên tắc tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý phải bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh và đúng thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ; Chọn được người giỏi nhất trong số những người đủ tiêu chuẩn, điều kiện đã dự thi để bổ nhiệm vào chức danh tuyển chọn. Đối tượng dự tuyển gồm cán bộ, công chức, viên chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn và đang công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn.

Đặc biệt, các cán bộ, công chức, viên chức không công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm, nếu có đủ điều kiện và nằm trong quy hoạch của chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn, đang công tác trong cùng bộ, ban, ngành, lĩnh vực, địa phương cũng được quyền đăng ký dự tuyển.

Đối tượng đăng ký tham gia dự tuyển nếu đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý thì được dự tuyển ở vị trí lãnh đạo, quản lý cao hơn không quá 2 cấp so với chức vụ hiện đang giữ. Cụ thể, phó trưởng phòng có thể được dự tuyển chức danh phó vụ trưởng và tương đương. Trưởng phòng có thể được dự tuyển chức danh vụ trưởng và tương đương. Trong trường hợp không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, khi dự tuyển thì phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện về ngạch công chức hoặc thời gian công tác trong ngành, lĩnh vực theo quy định về tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh tuyển chọn. Với cán bộ, công chức, viên chức không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn hoặc chức danh tương đương với chức danh tuyển chọn (bao gồm cả trường hợp không công tác tại cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm chức danh tuyển chọn và có thể không phải là đảng viên) được tập thể lãnh đạo của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh tuyển chọn đề cử và được cấp ủy của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm chức danh đó đồng ý bằng văn bản.

20

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trao các quyết định bổ nhiệm cho các thí sinh trúng tuyểncác chức danh lãnh đạo Sở Nội vụ và Sở TT-TT trong đợt thi năm 2014

Nên thi tuyển từ cấp thứ trưởng trở xuống?

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đề án này không thể làm thay nhiệm vụ của công tác bổ nhiệm cán bộ, mà chỉ là đổi mới khâu đầu, tức là thay vì chọn người, cử người như trước đây, thì nay tổ chức thi để tuyển người. “Trong tất cả những người cùng đủ tiêu chuẩn, việc thi tuyển sẽ chọn ra người giỏi nhất”, Bộ trưởng Tân nhấn mạnh, đồng thời khẳng định, nếu chúng ta làm tốt được việc này sẽ thể hiện tính minh bạch, công khai, dân chủ và đặc biệt, sẽ chọn được đúng người tài trong công tác cán bộ.

36 bộ, ngành, địa phương thực hiện thí điểm gồm các bộ, ngành: Nội vụ, Tư pháp, Công thương, Tài chính, Y tế, KH&ĐT, TN&MT, GTVT, NN&PTNT, GD&ĐT Ban Tổ chức T.Ư, Ban Kinh tế T.Ư, TAND Tối cao, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Các địa phương: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Hòa Bình, Sơn La, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Trà Vinh, Kiên Giang, Bến Tre.

Hội đồng thi tuyển sẽ tổ chức thi viết và nghe thí sinh trình bày đề án với các nội dung đánh giá thực trạng, phân tích mặt mạnh, hạn chế của đơn vị sử dụng chức danh tuyển chọn, chỉ ra nguyên nhân; Đề xuất kế hoạch, giải pháp; Trả lời các câu hỏi liên quan.

Cũng theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Đề án lần này đã mở rộng đối tượng thi tuyển, kể cả trong quy hoạch và ngoài quy hoạch đều được dự tuyển. Tuy nhiên, người thi phải được cơ quan quản lý cán bộ đồng ý và phải có đầy đủ điều kiện, tiêu chuẩn đáp ứng vị trí tuyển dụng. Ông Tân cho hay, trước đây có một số nơi đã thí điểm thực hiện việc này nhưng hoàn toàn chưa có văn bản nào quy định, nên bây giờ, Bộ xây dựng đề án để có văn bản thực hiện rõ ràng. Theo Bộ trưởng, 14 bộ, ngành và 22 tỉnh, thành thực hiện tới đây là những đơn vị đã đăng ký đưa vào thực hiện trước. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn này, bộ khuyến khích tất cả những đơn vị có đủ điều kiện tổ chức thi, không giới hạn.

ĐBQH Lê Thanh Vân, nguyên Phó bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương đồng tình với phương pháp thi tuyển lãnh đạo để chọn người tài, tuy nhiên, ông cho rằng, cần tổ chức thi tuyển với các chức danh từ Thứ trưởng trở xuống. “Vấn đề này tôi đã đề cập từ Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII rồi, Bộ GTVT cũng đã tiên phong thí điểm thi tuyển với chức danh Tổng cục trưởng. Tôi cho rằng, với chức danh hành chính, bổ nhiệm nên thí điểm từ Thứ trưởng trở xuống, nên thi tuyển cạnh tranh, kể cả với người ngoài quy hoạch thì mới chọn được người tài. Cách thức thi không chỉ thi viết mà còn phải thi vấn đáp mới thể hiện được phông kiến thức rộng. Còn với các chức vụ bầu cử thì cần chương trình hành động và cam kết lời hứa, để thấy được tầm nhìn chính sách của người thi tuyển”, ông Vân góp ý.

Ông Vân cũng lưu ý, để đảm bảo tốt việc này cần có quy định rõ ràng trong văn bản Luật, trong đó quy định cụ thể về tiêu chí với từng chức danh, rồi quy trình thực hiện thi tuyển. “Lâu nay dư luận nói nhiều việc bổ nhiệm người nhà, cả họ làm quan, nhưng nếu Đề án thi tuyển lãnh đạo được thực hiện một cách minh bạch, khách quan, có tiêu chuẩn rõ ràng thì chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng trên. Bất cứ ai đủ năng lực, đủ tài sẽ có cơ hội ứng thí khách quan, công bằng. Có như thế mới chọn được người tài”, ông Vân nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.