Ghép xe ngang là phần thi khiến nhiều thí sinh bị trừ điểm (Trong ảnh: một thí sinh nữ tỏ ra khá căng thẳng khi thực hiện phần thi ghép xe ngang) - Ảnh: Khánh Linh |
Tuy nhiên,cả người học và đại diện các trung tâm đào tạo lái xe đều cho rằng việc thêm nội dung thi mới này là cần thiết.
“Ghép xe ngang” khiến tỷ lệ trượt tăng đột biến
Ngày 22/4, lần đầu tiên Trung tâm Sát hạch lái xe Học viện Cảnh sát nhân dân (Bộ Công an) tổ chức sát hạch lái xe theo chương trình mới. Là một trong số 252 học viên tham gia khoá sát hạch hạng B2, anh Lê Hồng Điệp ở Cầu Giấy (Hà Nội) bước vào phần thi sát hạch với tâm trạng khá hồi hộp. Trong những bài thi đầu, anh Điệp tỏ ra tự tin khi vượt qua các bài thi xuất phát, lên dốc, qua vệt bánh xe, ghép xe dọc… Mọi chuyện tưởng chừng xuôi chèo mát mái, nhưng khi đến bài thi “ghép xe ngang” rủi ro đã xảy ra. Do dừng xe không đúng vị trí nên khi lùi vào hình, bánh xe đã chèn vào vạch. Tiến lên rồi lại lùi xuống để điều chỉnh xe vào hình nhưng anh Điệp loay hoay mãi không làm nổi. Do xe bị chết máy, bánh xe đè lên vạch quá lâu nên hệ thống đã báo hiệu “tước quyền sát hạch”.
Rời sân sát hạch trong tâm trạng buồn bã, anh Điệp tâm sự: “Khó nhất ở bài thi này là căn góc và xác định các điểm mốc để lùi vào hình. Biết là nội dung mới nên tôi cũng ôn luyện khá kỹ nhưng khi vào thi vẫn run nên đánh lái không chuẩn, để bánh xe chèn vào vạch hai lần dẫn đến mất bình tĩnh, kéo dài thêm thời gian và bị trượt”.
"Nội dung đào tạo - sát hạch “ghép xe ngang” - tức cho xe đỗ song song với vỉa hè, có xe chặn trước và sau là một nội dung mới được bổ sung cho cả chương trình đào tạo lái xe số sàn lẫn số tự động (hạng B1, B2, D, E) nhằm nâng cao kỹ năng cho người học. Đây là một kỹ năng rất cần thiết với người lái xe, nhất là khi tham gia giao thông ở các đô thị”. Ông Nguyễn Thắng Quân |
Tương tự anh Điệp, rất nhiều học viên thi bằng B2 tại Trung tâm Sát hạch lái xe Học viện Cảnh sát nhân dân sáng ngày 22/4 cũng bị trượt ở bài thi “ghép xe ngang”. Theo kết quả của Hội đồng thi, tính đến 10h trưa ngày 22/4, trong tổng số 82 người thi bằng B2 có tới 14 người bị mất điểm ở bài thi này, trong số đó có 8 người bị trượt trực tiếp ở bài thi “ghép xe ngang”. Độ khó của bài thi này khiến tỷ lệ vượt qua kỳ sát hạch chỉ đạt gần 66%, một tỷ lệ rất thấp, bởi các khóa sát hạch trước đây ở trung tâm này thường đạt từ 75 - 80%.
Ông Trần Quốc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết: “Đa số các trường hợp bị mất điểm ở bài thi “ghép xe ngang” là do lỗi đè vạch và quá thời gian thực hiện bài thi. Theo quy định, các trường hợp đè vạch trong bài thi này sẽ bị trừ 5 điểm và cứ quá 5 giây mà xe chưa thoát ra khỏi vạch bị trừ tiếp 5 điểm. Nếu để bánh xe đè vạch mà không chuyển động sẽ bị trừ liên tục. Thực tế có rất nhiều học viên bị trừ tới 10 điểm vì lỗi đè vạch”.
Đánh giá về bài thi “ghép xe ngang”, ông Tuấn cho rằng, độ khó tương đương với hai bài thi “dừng xe và khởi hành xe lên dốc” và “ghép xe dọc”. Do chương trình sát hạch có thêm một bài thi nên tỷ lệ trượt tăng lên cũng là điều dễ hiểu.
Tương tự, trong khóa sát hạch có nội dung mới đầu tiên tại Trung tâm Sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh) diễn ra ngày 23/4, tỷ lệ thí sinh vượt qua phần thi “ghép xe ngang” cũng chỉ đạt 65% khiến tỷ lệ đỗ ở phần thi sát hạch lái xe hạng B2 chỉ đạt hơn 69% trong khi trước đây tỷ lệ này luôn ở mức 75 - 84%.
Ông Tống Ngọc Đông, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GTVT Bắc Ninh) xác nhận: “Tỷ lệ đỗ thấp hơn là do thêm bài thi “ghép xe ngang”. Có thêm một bài thi nên yếu tố để thí sinh bị trừ điểm tăng lên đồng nghĩa với tăng tỷ lệ trượt. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng kinh nghiệm của các thày trong việc giảng bài về nội dung này chưa nhiều nên tỷ lệ như vậy phản ánh đúng thực tế”.
Ghép xe ngang là phần thi khiến nhiều thí sinh bị trừ điểm trong ngày sát hạch 22/4 tại Trung tâm Sát hạch lái xe Học viện Cảnh sát nhân dân - Ảnh: Khánh Linh |
Cách nào vượt qua bài thi “ghép xe ngang”?
Là người vừa vượt qua kỳ thi sát hạch và không bị trừ điểm ở nội dung “ghép xe ngang” tại sân sát hạch Học viện Cảnh sát nhân dân, ông Hoàng Văn Đằng 47 tuổi, ở Lạng Sơn chia sẻ kinh nghiệm: “Để vượt qua bài thi này cần nắm chắc, ghi nhớ những hướng dẫn mà thày đã truyền đạt. Bên cạnh đó, để bảo đảm thuần thục kỹ năng, cần bảo đảm thời gian luyện tập cho nội dung này từ một đến hai buổi tại sân sát hạch”.
Chị Đào Hải Yến ở phố Hàng Bông (Hà Nội) dự thi tại Trung tâm Sát hạch lái xe Đông Đô cũng cho biết: “Để vượt qua bài thi, quan trọng nhất là phải đỗ đúng vị trí, cho xe đỗ song song với lề đường. Khi lùi vào hình cần chú ý quan sát cả hai gương chiếu hậu, làm chủ được chân côn để điều chỉnh xe theo ý muốn”.
Ông Thân Văn Hanh, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo Trung tâm Đào tạo sát hạch Đông Đô (Bắc Ninh) cho rằng: “Muốn thực hiện tốt bài “ghép xe ngang” trước tiên phải bình tĩnh, đỗ đúng vị trí. Nếu thí sinh đỗ sai vị trí, việc sửa lỗi ở bài “ghép xe ngang” sẽ rất khó và thường khiến thí sinh mất bình tĩnh dẫn đến làm sai hướng dẫn”.
Theo ông Hanh, bài thi này khác với bài “ghép xe dọc” (lùi chuồng) có thể đánh lái sang phải, sang trái để điều chỉnh được nhưng với bài “ghép xe ngang” chỉ có thể lấy lái sang phải, trả lái và nhìn trong hình. Thí sinh trước khi cho xe lùi vào hình cần đỗ đúng vị trí. Khi lùi vào, phải quan sát hai gương chiếu hậu để làm động tác lấy lái cho phù hợp.
Ông Lê Quang Dũng, Phụ trách sân sát hạch của Trung tâm Sát hạch lái xe Học viện Cảnh sát nhân dân chia sẻ, để đạt được sự thuần thục trong bài thi ghép xe ngang phải đảm bảo số “giờ bay”. Khi thực hiện bài thi phải quan sát cả hai gương để kiểm soát phủ bì (thân xe) của xe rồi mới lùi vào hình và phải cảm nhận được vị trí người lái đang ngồi. Về vị trí đỗ xe trước khi lùi vào hình cần phải đảm bảo khoảng cách hợp lý so với vỉa đường. Nếu thuần thục các kỹ năng, bài thi này còn dễ hơn “ghép xe dọc” vì chỉ phải căn một bên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận