Theo quy định mới nhất của Bộ Tài chính, xe nhập khẩu phải có giấy chứng nhận C/O và được kiểm tra mã VIN - giúp kiểm soát đượcnguồn gốc, chất lượng, giá xe - Ảnh: Quý Hòa |
Quy định sản xuất, kinh doanh ô tô là ngành nghề kinh doanh có điều kiện có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Trong thời gian chuyển tiếp, Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thực hiện. Vậy từ nay tới ngày 1/7/2017, thị trường ô tô hoạt động theo quy định nào?
Thị trường vận hành theo Thông tư 20
Văn phòng Chủ tịch nước vừa công bố Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư. Theo đó, quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện là: Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2017.
Nhiều ý kiến băn khoăn, từ nay đến ngày 1/7/2017 - thời điểm ôtô được chính thức đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thị trường này vận hành ra sao; Tuân thủ quy định pháp lý nào; Hiệu lực Thông tư 20/2011/TT-BCT ra sao?
Trước đó, một số doanh nghiệp cho rằng, Thông tư 20 yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy ủy quyền chính hãng là “điều kiện kinh doanh” chứ không phải thủ tục hành chính. Và như vậy Thông tư 20 phải hết hiệu lực từ ngày 1/7/2017 theo Luật Đầu tư 2014 (Khoản 3, Điều 74 Luật Đầu tư năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 đã quy định: Bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không được ban hành quy định về điều kiện kinh doanh). Do đó, nhóm doanh nghiệp này đề nghị Bộ Công thương tuyên bố về hiệu lực của Thông tư 20 để doanh nghiệp nhập khẩu xe.
Vậy những điều kiện quan trọng cần được áp dụng với hoạt động nhập khẩu ô tô là gì? Một chuyên gia trong lĩnh vực này nêu ngắn gọn ba yêu cầu: Đảm bảo xuất xứ rõ ràng; Có cam kết của nhà sản xuất về việc bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa, triệu hồi sản phẩm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Chống gian lận thương mại thông qua kiểm tra mã VIN cũng như cập nhật bảng giá, theo dõi, kiểm soát hợp đồng mua bán... |
Trong khi đó, Bộ Công thương, cơ quan ban hành Thông tư 20 khẳng định, văn bản pháp lý này không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh, bởi không can thiệp vào việc “bỏ vốn đầu tư” để thành lập tổ chức kinh tế nhằm thực hiện hoạt động kinh doanh ô tô, mà cụ thể là sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh ô tô.
“Thông tư 20 đơn thuần là một thủ tục hành chính được áp dụng đối với hàng nhập khẩu tại cửa khẩu để đảm bảo một mục tiêu quản lý. Các thủ tục áp dụng cho hàng nhập khẩu như vậy có rất nhiều và trong đại đa số các trường hợp, đều không bị coi là điều kiện đầu tư kinh doanh như: Giấy chứng nhận xuất xứ, Giấy chứng nhận đã qua kiểm dịch động vật hay Giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu vào Việt Nam…”, báo cáo giải trình Chính phủ của Bộ Công thương giải thích.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, thực tế thị trường ô tô nhập khẩu hiện vẫn vận hành theo hành lang pháp lý của Thông tư 20. Lãnh đạo một Vụ chức năng của Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan này vẫn chưa nhận được văn bản nào khẳng định Thông tư 20 hết hiệu lực. Phó cục trưởng Cục Hải quan một địa phương phía Bắc khẳng định, đến nay chưa cho thực hiện thủ tục, thông quan cho bất cứ lô hàng thương mại nào hồ sơ pháp lý thiếu giấy ủy quyền chính hãng.
Một vài doanh nghiệp cũng cho Báo Giao thông biết, “ngỡ” Thông tư 20 hết hiệu lực từ sau ngày 1/7 nên đã nhập xe về cảng, song đến nay vẫn chưa thông quan bởi các cơ quan thực thi chính sách vẫn căn cứ theo văn bản pháp lý này.
Ngày 1/7/2017 là thời điểm sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô được chính thức đưa vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện - Ảnh: Tạ Tôn |
“Hàng rào” ngày càng... kín
Ngoài Thông tư 20, thị trường ô tô vẫn hoạt động trong “khuôn khổ” của các văn bản pháp luật liên quan khác. Ông Trần Quang Hà, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ GTVT) khẳng định, về khía cạnh quản lý của Bộ GTVT thì thị trường vẫn thực hiện theo Thông tư 30/2011/TT-BGTVT và Thông tư 31/2011/TT-BGTVT về chất lượng của xe ô tô nhập khẩu.
Hay liên quan đến khía cạnh quản lý thuế, hải quan, cuối tháng 11 vừa qua, Bộ Tài chính đã có Công văn 16875 về việc tăng cường công tác quản lý đối với mặt hàng ôtô nhập khẩu. Theo đó, doanh nghiệp nhập khẩu xe phải nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) tại thời điểm làm thủ tục hải quan, đồng thời phải được kiểm tra mã số VIN. Với yêu cầu C/O sẽ giúp chứng minh xe có nguồn gốc rõ ràng, đồng thời có bảo đảm từ nhà sản xuất chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Việc kiểm tra mã VIN cũng giúp tránh khai thiếu option, khai gian tình trạng xe cũ/mới, gian lận thuế..., từ đó giúp cơ quan quản lý dễ theo dõi, kiểm soát, hậu kiểm. “Đây cũng là một động thái quan trọng của Bộ Tài chính nhằm chuẩn bị cho việc đưa ô tô vào ngành nghề sản xuất, kinh doanh có điều kiện”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Ông Hà cũng cho biết thêm, sau khi có quyết định về hiệu lực từ ngày 1/7/2017, sẽ còn bước xây dựng nghị định quy định điều kiện cụ thể. Về vấn đề này, theo ông Trần Hào Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), còn phải đợi Chính phủ giao nhiệm vụ cho cơ quan nào, song Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải chắc chắn có liên quan và phải đóng góp ý kiến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận