Khoảng 1 triệu người với quy mô lớn nhất trong hàng chục năm trở lại đây đã đổ về trung tâm Seoul phản đối Tổng thống Park Geun-hye |
Thị trưởng Seoul Park Won-soon, người được đánh giá là ứng viên tiềm năng cho cuộc đua vào Nhà Xanh (Dinh Tổng thống Hàn Quốc) vào năm sau liên tục gây áp lực kêu gọi nữ Tổng thống Park Geun-hye từ chức.
Theo ông, niềm tin của người dân với bà Park đã bị xói mòn, do đó, bà không thể thực hiện các nhiệm vụ đối nội, đối ngoại ở vị trí Tổng thống. Chính phủ bà Park Geun-hye tê liệt gần 1 tháng nay vì bê bối bạn thân chưa từng có liên quan tới bà Choi Soon-sil. Ngày 14/11, theo Korea Times, bà Park chấp nhận đàm phán song phương với lãnh đạo đảng Dân chủ đối lập, Choi Mi-ae để tiếp tục nỗ lực xoa dịu dư luận.
Để phản đối Tổng thống, từ đầu tháng này, ông Park luôn cùng người dân tham gia các cuộc biểu tình phản đối chính phủ bà Park. Mới đây, ngày 12/11, ông Park cũng cùng 1 triệu người kéo tới biểu tình tại trung tâm thủ đô Seoul để yêu cầu bà Park từ chức ngay lập tức. Đây được coi là cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất tại Hàn Quốc kể từ khi dân chủ nổi dậy vào tháng 6/1987. Tới đây, ông Park cam kết sẽ cùng các nhà phê bình như cựu lãnh đạo đảng Nhân dân thiểu số để dẫn đầu động thái lật đổ bà Park. Một số nhà phân tích cho rằng, việc Thị trưởng Park tích cực trong kêu gọi lật đổ bà Park có liên quan tới việc sớm khởi động đường đua, tạo cho ông cơ hội nhanh chóng bước chân lên chiếc ghế quyền lực.
Thị trưởng Seoul chắc chân ứng viên Tổng thống?
Nếu Tổng thống từ chức, cuộc bầu cử Tổng thống sẽ được tổ chức ngay trong 60 ngày - theo Hiến pháp. Tuy nhiên, Luật bầu cử quy định, một quan chức muốn chạy đua Tổng thống cần phải nghỉ công việc hiện tại trước khi cuộc đua bắt đầu 90 ngày. “Tại thời điểm này, lợi ích chính trị của tôi không phải là vấn đề. Tôi vẫn tiếp tục tiến lên với quyết tâm có thể từ bỏ mọi thứ tôi có” - ông Park khẳng định.
Vị trí Thị trưởng Seoul vốn được xem là con đường ngắn nhất để trở thành ứng viên chạy đua Tổng thống nhờ hồ sơ cấp cao cùng ảnh hưởng chính trị. Riêng với ông Park, ông không chỉ nhận được sự quan tâm vì là Thị trưởng Seoul mà còn vì, cựu luật sư về nhân quyền này vốn là nhân vật biểu tượng, đại diện cho các phong trào dân sự những năm 1990 và 2000. Đồng thời, ông Park đạt được khá nhiều thành tựu vì dân trong hai nhiệm kỳ Thị trưởng thủ đô Hàn Quốc từ năm 2011. Một số thành tựu đánh chú ý như chính sách “nửa học phí” đối với Đại học Seoul, kế hoạch cung cấp 80.000 ngôi nhà thuê cho người thu nhập thấp trong năm 2018; bữa ăn ở trường miễn phí; vận hành tuyến xe bus đêm.
Về vấn đề Triều Tiên, ông Park luôn giữ quan điểm kêu gọi chính phủ nối lại hoạt động trao đổi với Triều Tiên. Đồng thời, ông cũng kêu gọi thực hiện chính sách “Thảo thuận phía Bắc mới” trong đó khuyên Hàn Quốc sử dụng nguồn lực, tài nguyên dồi dào từ Triều Tiên và phát triển kết nối giao thông tới đất nước này như một cách để kiểm soát Triều Tiên ngoài việc tăng cường an ninh. “Những lệnh trừng phạt vô điều kiện đối với Bình Nhưỡng không phải là giải pháp cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Seoul nên sử dụng đòn bẩy ngoại giao qua việc nhìn về viễn cảnh hai bên cùng tồn tại hòa bình”. Ông từng chỉ trích các chính sách như đóng cửa Khu công nghiệp Kaesong, triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên đất Hàn Quốc sẽ chỉ “khiêu khích Bình Nhưỡng và làm tổn hại an ninh quốc gia”.
Xem thêm video Tổng thống Park Geun-hye xin lỗi lần thứ 2 vì bê bối bạn thân
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận