Sự tham gia của doanh nghiệp Nhật Idemitsu Kosan mang đến kỳ vọng là cú hích tăng cạnh tranh cho thị trường xăng dầu Việt Nam - Ảnh: Tạ Tôn |
Đầu tháng 10, hình ảnh ông Hiroaki Honjo, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu Idemitsu Q8 (IQ8) có mặt tại trạm xăng dầu Thăng Long, đội mưa hàng tiếng đồng hồ, cúi chào khách vào đổ xăng đã thu hút sự quan tâm lớn của nhiều người dân.
Được coi là thị trường tiêu dùng màu mỡ, thị trường bán lẻ Việt Nam đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà phân phối hàng đầu thế giới. Trước sức ép cạnh tranh này, cả hệ thống phân phối mô hình “bách hóa tổng hợp” đã buộc phải chuyển động. Nhờ vậy, người tiêu dùng vừa tăng cơ hội lựa chọn sản phẩm dựa trên các tiêu chí: Giá cả, chất lượng, dịch vụ, vừa góp phần quyết định sự tồn tại, phát triển của các doanh nghiệp, không chỉ ở khâu phân phối mà còn tác động trở lại từ cả khâu sản xuất.
Với lĩnh vực bán lẻ xăng dầu, đây là lần đầu tiên có sự tham gia của một thương hiệu nước ngoài. Bên cạnh những cam kết về chất lượng sản phẩm, phong cách phục vụ mang đậm văn hóa Nhật Bản đã ghi điểm với người tiêu dùng Việt Nam - một thời gian dài mang tâm lý ấm ức với dấu ấn độc quyền trong lĩnh vực kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng, để có thể tồn tại, phát triển tại Việt Nam, IQ8 cần nhiều hơn phong cách cúi đầu chào khách hàng mua xăng. Đó là công nghệ quản lý có giúp đo lường chính xác, chất lượng xăng có đảm bảo như cam kết hay không; sự chuyên nghiệp, tận tụy, tôn trọng khách hàng có thực chất không hay chỉ dừng ở “cái cúi đầu” - vốn là một nét văn hóa quen thuộc của người Nhật? Và người tiêu dùng cần có thêm thời gian để có thể kiểm chứng những điều đó.
Mặt khác, nhìn một cách công bằng, các doanh nghiệp xăng dầu những năm gần đây đã có nhiều đổi mới về sản phẩm, dịch vụ. Ngay cả “đại gia” Petrolimex - chiếm tới 50% thị phần cũng ghi nhận những chuyển động tích cực, từ nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, thay đổi phương thức quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ...
Song, vẫn không ít trạm xăng quy hoạch, đầu tư manh mún, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Thậm chí, liên tiếp nhiều cây xăng bị phát hiện gian lận về chất lượng, số lượng, gây bức xúc cho người tiêu dùng. Do vậy, người tiêu dùng rất kỳ vọng thị trường xăng dầu có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp như IQ8.
Do vậy, để thị trường xăng dầu phát triển lành mạnh hơn nữa, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, chỉ riêng doanh nghiệp nỗ lực không đủ. Về phía cơ quan quản lý cần rà soát các quy định hiện hành, trên tinh thần “cởi trói” những điều kiện không cần thiết, chưa hợp lý. Đặc biệt, cần quy hoạch hệ thống phân phối trong một tầm nhìn dài hạn, phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH cũng như nhu cầu thị trường. Quy hoạch này cần công khai để mọi doanh nghiệp tiếp cận, từ đó chủ động xây dựng chiến lược phát triển của mình. Đồng thời, cần có cơ chế quản lý giá bán lẻ phù hợp trên cơ sở bảo đảm sự ổn định của mặt hàng chiến lược và yếu tố cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường.
Nhìn sang lĩnh vực viễn thông để thấy, sự tham gia của các tên tuổi mới đã xóa thế độc quyền, góp phần tích cực cho sự phát triển, bùng nổ của thị trường này, giúp người tiêu dùng trở thành “Thượng đế” đúng nghĩa. Và thị trường xăng dầu không lý gì không vận hành theo tư duy, cách thức tương tự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận