Thợ cầu Thuận An khẩn trương thi công các hạng mục công trình cầu sông Rút |
Cầu sông Rút thuộc dự án cao tốc nối TP Hạ Long với cầu Bạch Đằng thuộc địa phận phường Yên Hải, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh do Sở GTVT Quảng Ninh làm chủ đầu tư có giá trị xây lắp 540 tỷ đồng. Với quyết tâm đưa công trình về đích trước thời hạn, những người thợ cầu Thuận An bằng nhiều cách làm sáng tạo hiện đang khẩn trương thi công các hạng mục để đưa công trình vào bàn giao cho chủ đầu tư sớm hơn 6 tháng so với tiến độ đề ra…
Xuyên đêm đúc dầm…
21h ngày 9/4, tức khoảng bốn tháng sau ngày khởi công, chúng tôi có mặt tại công trường thi công cầu sông Rút dưới sự chỉ huy của Kỹ sư Nguyễn Văn Hợi, gần 30 kỹ sư, cán bộ, công nhân của Thuận An đang chuẩn bị đúc phiến dầm thứ 13 dưới sự giám sát của tư vấn giám sát hiện trường - TEDI.
Tổ trưởng chịu trách nhiệm phụ trách Tổ đúc dầm Nguyễn Trọng Trương, nguyên là “lính” của Cienco 4 đã từng thi công nhiều công trình trên khắp đất nước.
Tại đây, Kỹ sư Nguyễn Văn Hợi cho chúng tôi biết, công trình được khởi công từ 7/12/2014, hơn một tháng sau đó, phiến dầm Super T dài 38,3 m dự ứng lực đầu tiên được đúc thành công trước khi anh em nghỉ Tết Nguyên đán.
21h15, việc đúc dầm bắt đầu được triển khai, bốn tiếng sau đó, các công nhân hoàn thành những thao tác cuối cùng vào 1h15 sáng 10/4 và tranh thủ ăn ca. Lúc này, bất chấp cảm giác mệt mỏi, căng thẳng vì thiếu ngủ, Phó chỉ huy công trường Nguyễn Văn Hợi mới thở phào hài hước: “Tổng số dầm phải đúc là 180 phiến, qua con số 13 là anh em cảm thấy bớt căng thẳng, với hai dây chuyền đúc dầm hiện nay, theo kế hoạch trong 8 tháng anh em sẽ hoàn thành toàn bộ hạng mục đúc dầm, đảm bảo tiến độ cho thi công công trình”.
Kỹ sư Hợi cũng cho biết thêm, trên công trường cầu sông Rút thường trực có đến 300 cán bộ, kỹ sư và công nhân tham gia triển khai các hạng mục: “Hiện tại, công trường đang bố trí năm mũi thi công, gồm hai mũi thi công trên cạn, một mũi thi công dưới nước, hai mũi đúc dầm, bắt đầu từ 1/5 sẽ có thêm một mũi thi công lao lắp dầm”, anh Hợi chia sẻ và cho biết, sau bốn tháng thi công, giá trị sản lượng đạt được trên 90 tỷ đồng.
Nhiều sáng kiến đã được thợ cầu Thuận An áp dụng khi thi công cầu sông Rút. |
Sáng kiến làm theo quy trình ngược
Đối với cầu sông Rút, theo tìm hiểu của chúng tôi, một trong những khó khăn mà đơn vị thi công gặp phải trong quá trình triển khai dự án đó là điều kiện địa chất phức tạp, bùn sét nhiều, quá trình thi công phải xử lý nền đất yếu.
Để khắc phục tình trạng này, Ban Chỉ huy công trường cùng bàn bạc đề xuất với tư vấn giám sát cho áp dụng quy trình ngược - cho khoan cọc trước khi gia tải, nhờ đó rút ngắn được thời gian 6 tháng vì: “Cùng với việc gia tải, thì đơn vị thi công vẫn thi công song song hai mũi độc lập được, vừa gia tải vừa thi công bệ, trụ, mố và xử lý đất yếu…”, Kỹ sư Hợi giải thích.
Do đặc thù phải thi công trên nền đất yếu, đất sét pha cát, cọc khoan vào đá sét kết gan gà do vậy, đơn vị thi công phải dùng công nghệ khoan bằng máy khoan Power đường kính 2 m thay vì công nghệ giã trùy thông thường. Do vậy, theo Kỹ sư Nguyễn Văn Hợi, quá trình thi công đòi hỏi tính chính xác và yêu cầu kỹ thuật cao hơn rất nhiều.
Tại cầu sông Rút, quá trình thi công trụ P6, theo phương án ban đầu là đắp đảo thi công. Tuy nhiên quá trình đắp, vị trí thi công đúng vào nền đất yếu và nằm trong cung trượt địa chất do giáp mối giữa bờ và lòng sông. Với thâm niên gần 10 năm kinh nghiệm làm cầu, đã kinh qua nhiều công trình lớn, Kỹ sư Nguyễn Văn Hợi đã quyết định cho áp dụng biện pháp thi công dùng cọc ván thép dài 24 m, đóng khung vây khép kín để phục vụ thi công.
Biện pháp này sau đó vừa đảm bảo kỹ thuật, vừa đảm bảo an toàn cho con người và thiết bị quá trình thi công. Theo Tổ trưởng Tổ nhân lực Trần Bá Hòa, người có nhiều kinh nghiệm trong ngành cầu (đã từng thi công cầu Tân Đệ, Vĩnh Tuy, S2 Nam Định, cầu Bình Dương, cầu Tân An 2, dự án TP. HCM - Trung Lương...) thì đây là một trong những quyết định sáng suốt.
Hay đối với hạng mục đúc dầm, đơn vị thi công đã có sáng kiến tăng số lượng thiết kế tổ mẫu, để lựa chọn thiết kế tối ưu, “Ban chỉ huy công trường đã đưa ra đến 8 thiết kế để lựa chọn, trong khi quy trình chỉ cần từ hai đến ba mẫu, nhờ cách làm này đơn vị đã lựa chọn được thiết kế tối ưu, chỉ mất 2, 5 ngày để thi công một phiến dầm, trong khi nếu bình thường phải ba ngày. Hiện kế hoạch anh em đưa ra quyết tâm thực hiện mỗi dây chuyền một tháng 14 phiến, tăng 40% so với bình thường”, Kỹ sư Nguyễn Trọng Trương, phụ trách Tổ đúc dầm cho biết thêm.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Kỹ sư Hợi còn hóm hỉnh nhắc đến việc thợ cầu nghiên cứu…thủy văn tại dự án cầu sông Rút. Do cầu Sông Tranh hạn chế tải trọng 13 tấn trong khi phương tiện tải trọng lớn và thiết bị thi công không thể tháo dời để mang đến công trường, dẫn đến nhà thầu phải vận chuyển bằng đường thủy.
Trong khi đó, sông Rút không thuộc hệ thống sông có thông thuyền, do đó anh em phải chờ con nước để vận chuyển thiết bị. “Lúc đầu, khi đơn vị thi công vận chuyển cát và thép thì sà lan bị mắc hai ngày và phải nằm chờ con nước. Sau vụ này, anh em phải tham khảo số liệu của cơ quan chuyên môn, của người dân sở tại để căn con nước theo chu kỳ của từng tháng, qua đó biết được mỗi tháng có ba con nước, từ đó thiết bị, vật liệu được vận chuyển ngon lành” Kỹ sư Hợi kể lại.
Chủ động ứng tiền thuê… mặt bằng thi công
Một trong những khó khăn quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của dự án nếu không được giải quyết kịp thời chính là mặt bằng thi công. Tại cầu sông Rút, ban đầu chủ đầu tư chỉ giao mặt bằng trong phạm vi thi công cầu.
Tuy nhiên, quá trình triển khai, đòi hỏi phải có thêm mặt bằng để xây dựng lán trại, trạm bê tông tươi, bãi đúc dầm, kho bãi chứa vật liệu, để đảm bảo tiến độ, nhà thầu Thuận An đã chủ động đàm phán, ứng hơn 1 tỷ đồng để thuê trước mặt bằng của dân trong khi chờ các thủ tục thu hồi đất sau đó.
Liên quan đến chất lượng của công trình, theo đại diện Ban chỉ huy công trường, biện pháp quản lý chất lượng từ các mỏ đã được áp dụng một cách nghiêm túc ngay từ khi triển khai dự án: “Cát sông Lô ở Phú Thọ, đá Thống Nhất ở Kinh Môn, Hải Dương là những mỏ vật liệu có chất lượng và trữ lượng lớn nhất miền Bắc được chúng tôi lựa chọn để dùng cho thi công công trình này. Quá trình thi công, vật liệu đầu vào được kiểm tra nghiêm ngặt ngay trên sà lan trước khi đưa vào công trường. Hiện tại, cầu sông Rút đã có 8 nghìn m3 đá được vận chuyển đến phục vụ thi công đảm bảo tiêu chuẩn”, vị này cho biết.
Cùng với việc quản lý chất lượng vật liệu, trên công trường có đến năm Kỹ sư lành nghề, giàu kinh nghiệm chịu trách nhiệm các phần việc độc lập tại mỗi mũi thi công. Đối với nhân lực, Tổ trưởng các Tổ thi công đều là thợ bậc cao đã từng thi công nhiều công trình cầu.
Thời điểm kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, công trường cầu sông Rút sẽ hoàn thành được 48 phiến dầm cùng 90 cọc khoan nhồi với sản lượng khoảng 120 tỷ đồng. Với tinh thần khẩn trương, quyết liệt của mỗi công nhân, Kỹ sư, cán bộ điều hành, quản lý, Thuận An tự tin đưa công trình cầu sông Rút về đích đúng vào thời điểm 20/5/2016 để vận hành khai thác…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận