Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan |
Căng thẳng quân sự vẫn tiếp tục gia tăng ở khu vực tỉnh Afrin thuộc Tây Bắc Syria, giáp với biên giới phía Nam của Thổ Nhĩ Kỳ khi chính quyền Tổng thống Tayyip Erdogan tuyên bố sẽ mở rộng hoạt động quân sự tại Syria tới thị trấn Manbij. Động thái này có khả năng đưa lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc đối đầu với Mỹ - một đồng minh trong khối NATO.
Tổng thống Mỹ lên tiếng
Theo Reuters, ngày 24/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã điện đàm với ông Erdogan và kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ cắt giảm hoạt động quân sự ở miền Bắc Syria; đồng thời, cảnh báo Ankara không nên đặt quân đội Mỹ và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vào nguy cơ đối đầu quân sự.
Ông Trump đang cố gắng kiềm chế xung đột tại Syria trong bối cảnh chiến dịch tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ cả trên không và trên bộ nhằm vào khu vực Afrin do lực lượng dân quân người Kurd tại Syria (YPG) kiểm soát đã bước sang ngày thứ 6 (tính đến ngày 25/1). Cuộc tấn công này đã mở ra một mặt trận mới trong cuộc nội chiến kéo dài 7 năm ở Syria, làm phức tạp những nỗ lực của Mỹ ở quốc gia Hồi giáo từng bị thảm họa IS tàn phá.
Tuy nhiên, trong cuộc nói chuyện, ông Erdogan nói với ông Trump rằng, Mỹ phải ngừng hỗ trợ vũ khí cho YPG tại Syria. Ankara cho rằng YPG có mối liên kết với Đảng Lao động Kurd (PKK) - lực lượng đang nổi dậy đòi quyền tự trị ở phía Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ suốt nhiều thập kỷ qua. Vì thế, nước này muốn tiêu diệt YPG “từ trong trứng nước” để tránh một kịch bản: YPG sẽ lớn mạnh, giành quyền tự trị và thúc đẩy PKK vùng lên mạnh mẽ hơn.
Cũng trong ngày 25/1, Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ mở rộng hoạt động quân sự tại Syria tới thị trấn Manbij, đồng thời, khẳng định chiến dịch Cành Olive của Thổ Nhĩ Kỳ đã một lần nữa ngăn chặn các toan tính của những lực lượng được chống lưng, có lợi ích khác nhau trong khu vực. Động thái này có thể đặt 2.000 lính đặc nhiệm Mỹ tại đây vào vòng nguy hiểm và đe dọa các kế hoạch ổn định Syria của Washington.
Từ tháng 3/2017, Mỹ đã triển khai quân tới Manbij - vùng đất tách biệt do người Kurd kiểm soát cách Afrin 100km về phía Nam, nhằm thành lập lực lượng an ninh biên giới tại Syria để duy trì ổn định trong khu vực và ngăn IS tái xuất.
Đồng thời, Mỹ hy vọng việc tăng quyền kiểm soát của YPG ở miền Bắc Syria sẽ là đòn bẩy ngoại giao giúp Hoa Kỳ khôi phục các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc dẫn đầu tại Geneva về một thỏa thuận chấm dứt cuộc nội chiến của Syria và cuối cùng dẫn đến việc lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Các nhà phân tích cho rằng, Washington đã không ngần ngại chọc giận Ankara bằng cách cung cấp vũ khí, huấn luyện và hỗ trợ không quân cho lực lượng YPG tại Syria, mà Thổ Nhĩ Kỳ coi là kẻ thù. Chính sự khác biệt về chính sách tại Syria này đã làm gia tăng căng thẳng quan hệ của hai đồng minh NATO, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
Trong một diễn biến liên quan, hãng thông tấn Nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, Ngoại trưởng nước này-ông Mevlut Cavusoglu đã nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, người mà ông cho biết đã đề nghị thành lập một “tuyến đường an ninh dài 30km” bên trong Syria. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã không sẵn sàng để tham gia vào đề xuất như vậy.
Chuyển giao lợi ích
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan |
Các nhà phân tích trên Reuters cho hay, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai đồng minh NATO đã phân chia lợi ích tại Syria. Trong khi Washington tập trung đánh bại nhóm chiến binh Hồi giáo IS, thì Ankara muốn ngăn cản người Kurd tại Syria giành quyền tự trị và tránh sự thúc đẩy những người nổi loạn người Kurd trên đất của họ.
Trong ngắn hạn, Washington có ít áp lực lên Ankara do sự phụ thuộc nặng nề của quân đội Mỹ tại một căn cứ Thổ Nhĩ Kỳ để thực hiện các cuộc không kích ở Syria chống lại Nhà nước Hồi giáo IS.
Ông Gonul Tol, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Nghiên cứu Trung Đông của Washington cho biết, sự ảnh hưởng sẽ tiếp tục bị hạn chế bởi Mỹ không có các đối tác quân sự đáng tin cậy ở Syria ngoài người Kurd.
Một quan chức Mỹ giấu tên cho rằng, ông Trump đánh giá cao mối quan hệ với ông Erdogan, nhưng thừa nhận rằng Hoa Kỳ có đòn bẩy hạn chế và chính quyền của ông Trump không có khả năng thực hiện nhiều cuộc tấn công quân sự, ngay cả khi Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng tấn công từ Afrin đến Manbij.
Trong khi đó, chính quyền của ông Erdogan đã xem xét nối lại mối quan hệ với Nga và Iran trong những năm gần đây, một phần là vì thất vọng với sự ủng hộ của Washington đối với YPG trong cuộc chiến chống lại IS.
Dấu hiệu rõ ràng là việc Ankara đang mua một hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga. Việc này đã khiến các quan chức NATO những người luôn không muốn sự hiện diện quân sự của Moscow ở Trung Đông bất bình.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng, những động thái của ông Erdogan phần lớn là mang tính chiến thuật vì Ankara cần Liên minh châu Âu vì thương mại và các đối tác NATO vì an ninh của họ. Ông Gonul Tol cho rằng, đằng sau những cánh cửa đóng kín, ông Erdogan thực sự sẽ không muốn phá vỡ hoàn toàn mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây.
Trong khi đó, Phó giám đốc phụ trách An ninh quốc gia và Chính sách quốc tế thuộc Trung tâm Tiến bộ Mỹ, Max Hoffman cho rằng, Hoa Kỳ vẫn có đòn bẩy đáng kể và có thể xem xét áp đặt lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai, nếu lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ không quan tâm đến cảnh báo của Mỹ đối với khu vực Manbij.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận