Quan hệ Đức-Thổ liệu có xấu đi sau phán quyết này |
Chiều 2/6, Hạ viện Đức (Bundestag) thông qua nghị quyết, tuyên bố hành động đế chế Ottoman thảm sát người Armenia năm 1915 là tội “diệt chủng”, theo CNA.
Nghị quyết này được thông qua trong bối cảnh khá nhạy cảm khi Đức và Liên minh châu Âu đang cần Thổ Nhĩ Kỳ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn. Đồng thời, bản thân các lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ từng gây áp lực lên Đức, cảnh báo, nếu được thông qua, nghị quyết này sẽ làm tổn hại tới quan hệ hai bên. Chỉ vài giờ trước khi Bundestag tổ chức bỏ phiếu, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim nói: “Đây là phép thử tình hữu nghị giữa hai nước” và chỉ trích: “Một số nước mà chúng tôi coi là bạn đang tìm cách chuyển hướng sự chú ý khỏi những vấn đề chính sách đối nội đang có vấn đề bằng những hành động như việc thông qua nghị quyết trên”.
Trước đó, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ra thông báo, gọi nghị quyết này là “điều không thể chấp nhận được”. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ từng cảnh báo, nếu nghị quyết này được thông qua, nó sẽ gây tổn hại tới mối quan hệ tương lai trên toàn diện - ngoại giao, kinh tế, chính trị, thương mại, quân sự - giữa hai nước”. Về phía Đức, Thủ tướng Angela Merkel ủng hộ nghị quyết này dù bà không có mặt để tham gia bỏ phiếu.
Armenia từng tuyên bố 1,5 triệu người dân nước này đã bị giết hại trong giai đoạn từ 1915-1917 khi Đế chế Ottoman (cách gọi khác của Đế chế Thổ Nhĩ Kỳ) sụp đổ. Song, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ xác nhận, có 300 - 500 nghìn người Armenia cùng nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong cuộc xung đột. Hơn 20 quốc gia (bao gồm Pháp, Nga) đã công nhận đây là vụ diệt chủng người Armenia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận