Hàng hải

Thông dòng vốn đầu tư hạ tầng cảng biển

26/07/2023, 13:53

Dự án đầu tư nạo vét tuyến luồng và đê chắn sóng Nam Đồ Sơn có vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng, trong giai đoạn 2026-2030.

8.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng hàng hải khu bến Nam Đồ Sơn

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

img

Khu bến Nam Đồ Sơn được định hướng phát triển thành cảng cửa ngõ, kết hợp trung chuyển quốc tế.

Đáng chú ý, tại danh mục các dự án dự kiến sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, dự án có nhu cầu vốn lớn nhất là đầu tư nạo vét tuyến luồng và đê chắn sóng Nam Đồ Sơn với mức vốn đầu tư khoảng 8.000 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.

Hiện nay, theo Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến 2040, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, khu bến Nam Đồ Sơn sẽ được quy hoạch phát triển nhằm giảm áp lực cho khu bến Đình Vũ - Lạch Huyện khi chưa có khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư mở rộng tuyến đường Tân Vũ - Lạch Huyện, kênh Hà Nam.

Tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam, đến năm 2050, khu vực cảng biển Hải Phòng sẽ có thêm một cảng cửa ngõ kết hợp trung chuyển quốc tế, phục vụ quốc phòng - an ninh khác là khu bến Nam Đồ Sơn, Văn Úc.

Quy hoạch xác định tại khu bến này sẽ ưu tiên xây dựng các bến cảng phục vụ cụm công nghiệp tại khu vực và bến cảng trung tâm điện khí phù hợp quy hoạch tổng thể về năng lượng, quy hoạch phát triển điện lực và phục vụ di dời các bến cảng trên sông Cấm.

Trong đó, khu bến Nam Đồ Sơn sẽ có năng lực đón tàu container sức chở đến 18.000 TEU, tàu tổng hợp, hàng rời đến 200.000 tấn, tàu hàng lỏng/khí đến 150.000 tấn, tàu khách đến 225.000 GT.

Trong danh mục các dự án sử dụng vốn doanh nghiệp, trong giai đoạn từ nay tới 2030, khu bến Nam Đồ Sơn (giai đoạn khởi động) cần mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.

Loạt dự án hạ tầng hàng hải cần vốn đầu tư lớn

Cũng theo kế hoạch này, giai đoạn 2021 - 2025, một số dự án cũng cần nguồn vốn đầu tư lớn thuộc ngân sách Nhà nước như dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu giai đoạn 2 (2.225 tỷ đồng); Đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số “0” vào khu bến cảng công ten nơ Cái Mép (1.416 tỷ đồng) và đầu tư Khu bến cảng Liên Chiểu - Phần hạ tầng dùng chung (3.426 tỷ đồng)

Trong giai đoạn 2026 - 2030, các dự án cần nguồn vốn lớn có dự án cải tạo, nâng cấp luồng Cửa Lò cho tàu 30.000 tấn đầy tải, 50.000 tấn giảm tải và nâng cấp xây dựng đê chắn sóng phía Bắc cảng Cửa Lò (1.018 tỷ đồng) và đầu tư nạo vét luồng vào các cảng khu vực Cẩm Phả và khu chuyển tải Hòn Nét (1.496 tỷ đồng).

Hiện nay, các dự án giai đoạn 2021-2025 đang triển khai đầu tư. Quyết định cũng nêu rõ với các dự án đầu tư giai đoạn 2026-2030 là dự kiến, trường hợp bố trí được vốn đầu tư, Bộ GTVT có thể đầu tư sớm hơn.

Thủ tướng Chính phủ giao ưu tiên phân bổ vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn ngân sách trung ương giai đoạn 2026-2030 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được cấp có thẩm quyền duyệt để thực hiện các dự án. Cùng đó, kêu gọi đầu tư thực hiện các dự án phát triển hạ tầng cảng biển sử dụng nguồn vốn của doanh nghiệp theo tiến độ quy hoạch được duyệt.

Đồng thời, Bộ GTVT được giao phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương liên quan nghiên cứu, huy động các nguồn lực phù hợp để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải và quy hoạch sử dụng đất phù hợp, đồng bộ với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch kỹ thuật, chuyên ngành hàng hải.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.