Giao thông

Thu giá tự động không dừng tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng

28/12/2017, 07:27

Bộ GTVT nghiên cứu và cho phép áp dụng công nghệ thu tự động không dừng (ETC) tại các trạm thu giá đường bộ.

3

Trạm thu giá Tam Kỳ trên QL1A (Quảng Nam) đã triển khai thu phí tự động không dừng

Sẽ tiết giảm hàng trăm tỷ đồng/năm

Quyết định áp dụng hệ thống thu giá tự động không dừng tại các trạm thu giá được xem là một bước ngoặt quan trọng trong tiến trình “công nghệ hóa” hoạt động quản lý, vận hành giao thông nói chung tại Việt Nam.

Ngày nay, giao thông thông minh (ITS) không còn là khái niệm xa lạ trên thế giới. Với việc ứng dụng các thành tựu mới nhất của CNTT, việc vận hành, quản lý hoạt động GTVT nói chung đã đạt đến trình độ phát triển mới, đem lại lợi ích lớn cho các bên liên quan. Thực tế, khi hàng loạt các dự án BOT giao thông mới bắt đầu được xây dựng, Bộ GTVT đã nhận thấy mô hình quản lý và hoạt động của các trạm thu giá thủ công (thu phí bằng tay - một dừng) không đáp ứng được nhu cầu phát triển, gây ùn tắc giao thông, khó bảo đảm được tính minh bạch và có nguy cơ thất thoát phí. Chính vì vậy, Bộ GTVT đã nghiên cứu và cho phép áp dụng công nghệ thu giá tự động không dừng (ETC). Đây là công nghệ hiện đại nhất mà nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đang áp dụng và được coi là chìa khóa để minh bạch, kiểm soát việc thu giá của các dự án nói chung, trong đó có các dự án BOT.

"Nếu thu giá không dừng, mỗi năm Việt Nam sẽ giảm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỷ đồng, tiết kiệm nhiên liệu 233 tỷ đồng; giảm thời gian tham gia giao thông 2.800 tỷ đồng; tiết kiệm chi phí quản lý giao thông 360 tỷ đồng…”.

Ông Y.C Chang 
Tổng giám đốc Công ty FETC

Tại diễn đàn thanh toán điện tử mới đây, ông Y.C Chang, Tổng giám đốc Công ty FETC thuộc Tập đoàn Viễn Đông (Công ty Phát triển thành công hệ thống ETC tại Đài Loan) và cũng là đơn vị tư vấn cho dự án ETC của Việt Nam cho biết, tổng mức đầu tư của dự án Đài Loan bỏ ra khoảng 380 triệu USD. Tuy nhiên, những thống kê về mặt KT-XH sau khi đưa ETC vào sử dụng mới đáng để nói đến.

Cụ thể, một nghiên cứu độc lập cho thấy, công nghệ thu giá không dừng nhiều làn hoàn toàn này đem về cho Đài Loan khoảng 800 triệu USD mỗi năm nhờ tiết kiệm chi phí như: Nhân công, xăng dầu, thời gian lưu thông, giảm thanh toán tiền mặt...

“Ước tính từ các chuyên gia cho thấy, mỗi lần dừng xe nộp tiền sẽ làm chậm hành trình của các phương tiện từ 2-3 phút, tăng thời gian lưu thông từ 4-5% và tiêu tốn thêm 7-8% nhiên liệu khi lưu thông trên đường cao tốc. Tuy nhiên, nếu thu giá không dừng, mỗi năm Việt Nam sẽ giảm chi phí in vé giấy khoảng 70 tỷ đồng, tiết kiệm nhiên liệu 233 tỷ đồng; giảm thời gian tham gia giao thông 2.800 tỷ đồng; tiết kiệm chi phí quản lý giao thông 360 tỷ đồng…”, ông Y.C Chang cho biết.

Giải pháp thúc đẩy thanh toán điện tử

Để thúc đẩy thanh toán điện tử trong thu giá tự động đường bộ, trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành các cơ chế, tạo hành lang pháp lý để vận hành hệ thống, như: Cơ chế giám sát của cơ quan quản lý nhà nước; các quy định về sử dụng chứng từ, hóa đơn điện tử hay việc miễn giảm trong thời gian đầu sử dụng dịch vụ… Nắm bắt xu thế này, từ ngày 1/7/2016, VETC đã triển khai hóa đơn điện tử đối với tất cả khách hàng tham gia sử dụng dịch vụ thu giá tự động đường bộ VETC trên toàn quốc. Việc sử dụng hóa đơn điện tử nhằm hoàn thiện dịch vụ thu giá tự động đường bộ VETC và mang lại nhiều lợi ích như: Tạo thêm nhiều tiện ích cho khách hàng khi tham gia giao thông thông minh, giúp khách hàng thuận tiện trong các giao dịch, tránh được các rủi ro thất lạc, hư hỏng hóa đơn…

Đối với các phương tiện sử dụng vé tháng, vé quý tại các trạm phải sử dụng dịch vụ ETC và thanh toán chuyển tiền qua ngân hàng. Để tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận công nghệ này, việc tổ chức dán thẻ E-Tag, mở “tài khoản giao thông” đã được VETC tổ chức thực hiện thông qua các trạm đăng kiểm, các điểm tại trạm thu giá và được dán miễn phí để phát triển khách hàng tại các khu vực đã có trạm thu giá ETC. Việc nộp tiền vào tài khoản thu phí được thực hiện đa dạng qua các kênh như: Mobile banking, internet banking, thẻ cào, ví điện tử, và thêm nhiều điểm dịch vụ nạp tiền…

Không chỉ tổ chức thu giá tự động không dừng tại các trạm trên quốc lộ, đường cao tốc, hình thức thu giá này còn đang được triển khai đồng thời đối với nhiều dịch vụ khác, có thể thanh toán bằng tài khoản ETC như: Bãi đỗ xe, phí bảo trì đường bộ, phí đăng kiểm, phí gửi xe tháng tại các tòa nhà…

Đánh giá về lợi ích của việc thu giá tự động không dừng, ông Nguyễn Hữu Trí, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN từng cho biết, việc thu giá tự động không dừng có giá trị rất lớn. Cơ quan đăng kiểm thông qua thẻ E-Tag cũng có thể nhận dạng các xe có đến đăng kiểm hay không. Đặc biệt, công nghệ này giúp cho việc kiểm soát vi phạm giao thông, tiến tới chủ xe có thể nộp phạt qua “tài khoản giao thông” mà không cần đến kho bạc nộp phạt. Đối với nhà đầu tư BOT và cơ quan quản lý nhà nước sẽ tránh thất thoát tiền thu vì 100% các xe đều trả tiền tự động, được ghi nhận trên phần mềm và hệ thống theo dõi. Nếu 100% phương tiện sử dụng thẻ E-Tag thì sẽ chấm dứt tình trạng thất thoát tại các trạm thu giá, giúp nhà đầu tư BOT và Nhà nước không bị thất thoát nguồn thu này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.