Tiến sỹ Lương Hoài Nam phát biểu tại tọa đàm Vỉa hè, chống ùn tắc và trách nhiệm công dân do Báo Giao thông tổ chức |
Thổ công vỉa hè là ai?
Tại tọa đàm Vỉa hè, chống ùn tắc và trách nhiệm công dân do Báo Giao thông tổ chức sáng 24/3, TS Lương Hoài Nam gây bất ngờ khi đề xuất thu phí vỉa hè. "Có thể là 0 đồng, 10 đồng, hay bao nhiêu đó, nhưng dân chỉ phải trả một lần và không mất tiền cho ai khác", ông nói.
Tiến sỹ Nam phân tích, bản chất lấn chiếm vỉa hè là vi phạm pháp luật. Tại sao khi đã quy định rõ trong luật mà vẫn khó khăn trong thực hiện như thế? Cha ông ta thường nói: “Đất có thổ công, sông có hà bá”. Về pháp luật, “thổ công” ở đây chính là toàn dân vì đó là đất công. Tuy nhiên, khi vỉa hè bị lấn chiếm, vai trò “thổ công” bị đánh tráo, thổ công là những “ông khác”. Có lực lượng bảo kê cho hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Tôi đề xuất, cần thiết thì sửa đổi Luật, cho phép người dân thuê vỉa hè. Tôi đề nghị làm theo thủ tục hành chính, có kẻ ô, có thu phí. Làm như thế mới giải quyết tận gốc. Nếu anh có nhu cầu thì làm đơn ra chính quyền giải quyết. Để quản lý tốt, mỗi khu đất sử dụng phi giao thông phải có hợp đồng giữa hai bên: chính quyền-người dân, mới có thể quản lý được. Và họ có trách nhiệm quản lý phần vỉa hè theo quy định.
Với tư cách một công dân đồng sở hữu vỉa hè, tôi không đồng ý để chính quyền tạm giao mà lại không thu phí cho ai đó. Bởi đó là của công, một phần sở hữu của tôi. Anh ở nhà mặt phố nếu có nhu cầu để xe trên vỉa hè phải ký hợp đồng với địa phương, trả khoản phí nhất định. Ví dụ như tại Hà Nội, chúng ta đều biết tới những đường kẻ vạch thẳng với bề ngang 2m. Liệu có phải chủ nhà được quyền sử dụng 2m đó hay không? Không đúng, đó vẫn là đất công, nếu có nhu cầu sử dụng, người dân có thể thuê lại 2m.
Khi nhận được ý kiến phản biện của Giám đốc Sở GTVT Vũ Văn Viện rằng, 1 số nhà có thể có nhiều hộ dân ở trong, lúc đó phân chia thế nào, ai có thể đứng ra thuê? Ông Nam cho rằng, quản lý nhà nước không cần lo điều đó, người dân có nhu cầu sẽ tự tìm đến nhau, thỏa thuận và cử người đại diện thuê lại vỉa hè của Nhà nước. Dân đã thuê vỉa hè rồi, ai đến khó dễ, họ đưa hợp đồng ra, rất khó để thu thêm tiền gì đó trong trường hợp này.
Nói tàu điện ngầm thay thế được xe máy là sai lầm
Cũng tại tọa đàm, ông Nam chia sẻ: "4 năm trước, tôi nhận khá nhiều “gạch đá” do đề xuất hạn chế, tiến tới loại bỏ xe máy ra khỏi TP Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên, đến bây giờ, người dân đã thuận hơn rất nhiều đối với đề xuất này. Hà Nội cũng đã chính thức công bố lộ trình cấm xe máy vào năm 2030".
Vậy nhưng vẫn có rất nhiều người khăng khăng: "Bao giờ có tàu điện ngầm tôi mới bỏ xe máy".
Đây là sự hiểu lầm cần được xóa bỏ. Tàu điện ngầm không thể thay thế xe máy. Tại Singapore, bình quân cứ 7km vuông mới có 1 bến tàu điện ngầm. Nhưng vì sao Singapore lại loại bỏ được xe máy? Đó là nhờ họ có khoảng 5.000 bến xe buýt phủ kín toàn thành phố. Chính vì thế, nên đặt vấn đề xe buýt là phương tiện công cộng thay xe máy, còn tàu điện ngầm là phương tiện vận tải lớn để thay xe buýt.
Vậy làm thế nào để người dân tại Hà Nội và TP.HCM không còn nhu cầu sử dụng xe máy nữa? Câu trả lời là phải có đủ xe buýt. Tuy nhiên khi phát triển mạng lưới xe buýt lại nảy sinh vấn đề tranh chấp hạ tầng giao thông. Xe buýt và xe máy không thể chung sống hòa bình trên một làn đường. Chỉ nên chọn 1 loại phương tiện thôi. Muốn xe buýt phát triển phải có làn đường riêng.
"Tại tọa đàm, các anh nói lượng khách đi xe buýt vẫn đang tăng nhưng ý kiến của tôi thế này: "Tăng trưởng xe buýt không nên đi theo hướng tăng đều đều vài % một năm, mà phải tăng theo nấc thang tái cấu trúc giao thông đô thị với những bước nhảy vọt. Mặt khác, Hà Nội và TP.HCM cũng nên nghiên cứu theo hướng lấy làn đường trong cùng để làm đường dành riêng cho xe buýt. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, với mô hình hiện nay chúng ta đang áp dụng, lấy làn ngoài cùng dành cho BRT, sẽ rất khó thành công", ông Nam nói.
|
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận