Chính trị

Thủ tướng: Bộ Công thương đã gạt bỏ lợi ích cục bộ

15/01/2018, 17:23

Thủ tướng nhận định Bộ Công thương đã vượt qua tư duy nhiệm kỳ, gạt bỏ lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình.

thu-tuong-loi-ich-nganh

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương phải vượt qua tư duy nhiệm kỳ, gạt bỏ lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình

Thủ tướng: "Sẽ quy trách nhiệm cá nhân cho các tư lệnh "

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết ngành công thương ngày 15/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong năm qua, có nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ngành Công thương như vấn đề Biển Đông, không đạt được Hiệp định TPP-12 và nhiều khuyết điểm, bất cập trong nhiều dự án trước đây.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng đánh giá cao ngành Công thương đoàn kết, quyết tâm vượt lên khó khăn, đạt nhiều chỉ tiêu quan trọng như công nghiệp tăng tưởng 6,81%, trong đó, điểm sáng là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,4%, cao nhất 7 năm qua.

Về thương mại, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam vượt mốc 200 tỷ USD, với mức tăng trưởng trên 21%. Trong đó có gần 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Theo Thủ tướng, đây là một trong những điểm sáng nhất của ngành Công thương năm 2017. “Ước gì chúng ta có 50 mặt hàng như thế”, Thủ tướng nói tại Hội nghị và cho rằng trong thương mại chúng ta còn nhiều tiềm năng.

“Ngành Công thương biết gạt bỏ những lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình, đồng thời cũng là bộ tiên phong đi đầu trong việc cắt bỏ các thủ tục hành chính”, Thủ đánh giá.

Về tái cơ cấu bộ máy, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh báo cáo, kết thúc năm 2017, Bộ đã cắt giảm 72 đơn vị cấp phòng, tương đương giảm 36,5% số phòng trong toàn bộ. Thủ tướng đánh giá, Bộ Công thương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo về cấu trúc lại bộ máy với thái độ “dũng cảm, không sợ va chạm”.

Thủ tướng cũng đánh giá việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco là một hình mẫu cho cổ phần hóa doanh nghiệp thời gian tới. “Phải học từ Sabeco, mọi doanh nghiệp Nhà nước, cả ngành Công thương sớm đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn, niêm yết cổ phần trên sàn giao dịch chứng khoán công khai, minh bạch”, Thủ tướng nhấn mạnh. Người đứng đầu Chính phủ thông tin tại Hội nghị rằng đã trực tiếp chỉ đạo 2 thương vụ thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp thành công là Vinamilk và Sabeco để chống lại hiện tượng tiêu cực mà xã hội hay nói.

Bên cạnh thành công, Thủ tướng cũng chỉ ra một số hạn chế, yếu kém của ngành hiện nay là một số chiến lược, quy hoạch trong ngành; hạn chế trong nghiên cứu, triển khai thực hiện phát triển công nghiệp theo hướng cách mạng công nghiệp 4.0; vẫn còn một số chính sách kìm hãm sự phát triển mà Bộ chưa thoát ra được.

Bên cạnh đó, công tác thị trường và dự báo cung cầu còn yếu, thiếu cơ chế hỗ trợ hiệu quả, chưa gây dựng được những hạt nhân dẫn dắt và cơ chế liên kết sản xuất với thị trường để giảm rủi ro. Một số sản phẩm công nghiệp khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Sản xuất và xuất khẩu ở Việt Nam chủ yếu vẫn tập trung ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất để xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, năm 2018 và các năm sau, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thương mại nội địa phải có chiều sâu hơn nữa; thúc đẩy tái cơ cấu công nghiệp, ưu tiên thu hút đầu tư dự án công nghệ cao, sản phẩm cạnh tranh, thân thiện môi trường, giữ vững thị trường trong nước, đặc biệt là các kênh phân phối.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định sẽ quy trách nhiệm cá nhân cho các tư lệnh là bộ trưởng, chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn, tổng công ty.

10 chữ của Bộ Công thương năm 2018 là gì?

“Chính phủ đã đưa ra phương châm “10 chữ” cho năm 2018 (Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả). Vậy phương châm hành động của ngành Công thương là gì để có thể thúc đẩy cái này? Phải chăng đó là đổi mới, đổi mới hơn nữa; quyết liệt, quyết liệt hơn nữa; sáng tạo, sáng tạo hơn nữa; hiệu quả, hiệu quả hơn nữa”, Thủ tướng nói.

“Chúng ta có chuyện này, chuyện khác trong năm vừa rồi hay năm trước để lại nhưng không vì thế mà chúng ta nhụt chí, không hành động. Mình không hành động thì không có kết quả và lưu ý hành động phải chặt chẽ, đúng pháp luật, đúng cơ chế, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, Thủ tướng nói và cho rằng phải vượt qua chính mình, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, vượt qua tư duy e ngại khó khăn, không dám đối mặt với khó khăn để tận dụng cơ hội, thậm chí biến khó khăn thành cơ hội để đạt mục tiêu cao hơn, vượt qua lợi ích cục bộ của ngành để hướng tới sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành khác một cách hiệu quả hơn, tránh cát cứ, chia cắt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.