Siêu dự án tỷ đô dọc sông Hồng chưa được Thủ tướng đồng ý xem xét phê duyệt - Ảnh minh hoạ |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản nêu rõ về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (Dự án), theo đó, Thủ tướng Chính phủ chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án tỷ đô dọc sông Hồng này vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên môi trường (TNMT) chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững. Việc xây dựng Quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực đồng bằng sông Hồng.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (còn gọi là “siêu” dự án đường thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện của Công ty TNHH Xuân Thiện, Công ty Xuân Thiện) có tổng mức đầu tư 24.510 tỉ đồng, cơ cấu vốn bao gồm 30% vốn sở hữu của nhà đầu tư, 70% vốn vay thương mại. Thời gian hoàn vốn, kể cả thời gian xây dựng là 25 năm.
Đây cũng là tuyến công trình giao thông thủy kết hợp xây dựng thủy điện thuộc địa bàn các tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai và TP. Hà Nội. Nhà đầu tư có kế hoạch xây dựng 6 đập dâng nước và âu tàu, nạo vét luồng trên toàn tuyến đường thủy nội địa đoạn Việt Trì – Lào Cai có chiều dài 288 km, kết hợp xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ công suất thiết kế khoảng 228MW, cung cấp lượng điện khoảng 912 triệu kWk/năm.
Trước đó, trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016 tổ chức chiều 5/5, trả lời thắc mắc của báo giới liên quan đến dự án này, đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết, do nhận thức được dự án này có tầm quan trọng, ảnh hưởng đến môi trường và nhiều vấn đề khác nên Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã gửi xin ý kiến của các Bộ, ngành địa phương có liên quan, qua đó nhận được đồng thuận khá cao từ các Bộ, ngành, địa phương. Nhưng sự đồng thuận ở đây mới là bước báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ đầu tư nghiên cứu tiếp dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận