Chính trị

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gây ấn tượng tại Nhật Bản

06/06/2017, 08:18

Bài phát biểu của Thủ tướng thu hút sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao và chính khách nhiều nước trên thế giới.

15

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23

Thủ tướng đã để lại dấu ấn sâu sắc với bài phát biểu về xu hướng toàn cầu hóa, giải pháp cho châu Á “để trở thành nơi mà ở đó chúng ta sẽ được lắng nghe về giấc mơ của mọi quốc gia, của nước lớn cũng như nước nhỏ, nước phát triển cũng như chưa phát triển”.

Trong ngày thứ 2 (5/6) của chuyến công du Nhật Bản (từ ngày 4 - 8/6) theo lời mời của Thủ tướng Shinzo Abe, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23 với chủ đề “Chủ nghĩa toàn cầu hóa giữa ngã tư đường - Bước đi tiếp theo của châu Á” và có bài phát biểu thu hút sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao và chính khách nhiều nước châu Á cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới.

Thủ tướng nói về giấc mơ Châu Á

Thủ tướng đã để lại dấu ấn sâu sắc với bài phát biểu về xu hướng toàn cầu hóa, giải pháp cho châu Á “để trở thành nơi mà ở đó chúng ta sẽ được lắng nghe về giấc mơ của mọi quốc gia, của nước lớn cũng như nước nhỏ, nước phát triển cũng như chưa phát triển”.

Tờ Nikkei Asia Times đưa nhận định, “xu thế toàn cầu hóa là tất yếu dù chúng ta ủng hộ hay không ủng hộ” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên trang nhất, mục tiêu điểm trong ngày 5/6. “Những hành trình ngược xuôi, những câu chuyện huyền thoại trên con đường tơ lụa lịch sử đã giúp chúng ta hiểu một điều quan trọng: Toàn cầu hóa không chỉ là một tiến trình kinh tế mà còn là sự phản ánh những khát vọng vươn xa, những mưu cầu hạnh phúc và chinh phục thử thách của loài người”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Việt Nam cho rằng, châu Á - châu lục lớn nhất thế giới về diện tích và dân số, đa dạng về tôn giáo, văn hóa, sắc tộc với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, đang là động lực tăng trưởng chủ chốt trong quá trình toàn cầu hóa. Dù vậy, Thủ tướng khẳng định quá trình hội nhập toàn cầu cũng đang đặt châu Á trước nhiều thách thức và đưa ra 3 giải pháp để giải quyết những thách thức này. Đó là: Thứ nhất, duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong bối cảnh châu Á đang có những thay đổi mang tính cấu trúc; Thứ hai, giải quyết bài toán về mô hình phát triển, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững và bao trùm; Thứ ba, tối ưu hóa nguồn lực, phối hợp và phát huy vai trò tích cực của các định chế quốc tế...

16

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 23

Đây là thời cơ tốt để Nhật đầu tư vào Việt Nam

Tiếp tục các hoạt động, chiều 5/6, Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp Nhật Bản trong cuộc tiếp xúc kéo dài 3 giờ giữa Thủ tướng Việt Nam với 1.500 doanh nghiệp của hai nước. Đáng chú ý, lần này, hội nghị xúc tiến có sự tham gia của cả Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, trở thành hội nghị đầu tiên có sự xuất hiện của hai Thủ tướng cùng lúc.

Tại buổi tọa đàm bàn tròn với các doanh nghiệp lớn và gặp gỡ một số doanh nghiệp, quỹ đầu tư quy mô như: Canon, Panasonic, Nipro Corporation, Taisei Corp, Tokyo Gas,... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi, đây là thời điểm “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, là thời cơ tốt để các nhà đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam. Thực tế, Việt Nam đang tiến hành những cải cách và cơ cấu kinh tế một cách sâu rộng. Điều này thể hiện qua năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được cải thiện từ vị trí thứ 12 trong năm 2015 lên vị trí thứ 9 trong năm 2016 trong Bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu của Ngân hàng Thế giới (WB). Bên cạnh đó, hồi tháng 5, hãng Moody’s đã điều chỉnh chỉ số triển vọng của Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực.”

Thủ tướng cho rằng, dù Nhật Bản là nhà đầu tư tài trợ vốn có ODA thứ nhất, vốn FDI thứ hai, chiếm 15% tổng số vốn FDI vào Việt Nam nhưng tiềm năng hợp tác còn rất lớn và mong muốn các nhà đầu tư Nhật Bản quyết định đầu tư vào Việt Nam nhanh hơn. Việt Nam chủ trương phát triển bền vững, ổn định, tăng trưởng kinh tế cao nên nhu cầu tài chính cao. “Bây giờ chỉ bàn cách nào để các bạn vào nhanh được và đầu tư đạt kết quả tốt nhất. Chính phủ sẽ thúc đẩy hơn nữa đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng, kể cả điện lực... Chính phủ cũng chủ trương thu hẹp lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, mở rộng cho thị trường, đặc biệt là cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, kể cả lĩnh vực điện”, Thủ tướng nói.

Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ trao hàng loạt hợp đồng, giấy chứng nhận, thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá 22 tỷ USD giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp Nhật Bản.

Ngoài ra, có một số văn bản thỏa thuận về việc Nhật Bản cấp tàu quân sự cho Việt Nam, 2 dự án viện trợ ODA không hoàn lại trong lĩnh vực an ninh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.