Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Vì sao hàng chục năm không tinh giản được biên chế?
Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội tháng 11 vừa qua, ĐB Hoàng Văn Cường chất vấn người đứng đầu Chính phủ về việc sau hai năm điều hành về kinh tế, Chính phủ đã kiềm chế được tốc độ tăng nợ công đang phi mã, kéo tỷ lệ nợ công từ mức sắp kịch trần xuống thấp hơn, đưa nền kinh tế tăng trưởng không còn phụ thuộc vốn và khai thác dầu thô. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, về tinh giản biên chế và cải cách bộ máy hành chính, vấn đề đã được đưa vào nghị quyết hàng chục năm nay, nhưng đến nay gần như không đạt mục tiêu. Tuyên bố của Thủ tướng ngay từ đầu nhiệm kỳ về xây dựng Chính phủ hành động, phục vụ dường như mới dừng ở quyết tâm của Thủ tướng và người đứng đầu các bộ, ngành, chưa trở thành hành động của người thực thi công vụ, vẫn phổ biến tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, trên chuyển nhưng dưới không động. Chính phủ đã làm nên thành công trong điều hành nền kinh tế, nhưng chưa đủ để thành công trong cải cách về bộ máy. Phải chăng nguyên nhân của tình trạng này là do vướng mắc về thể chế ràng buộc trong các quy định của pháp luật cần phải tháo gỡ?
“Đề nghị Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ đặt mục tiêu trọng tâm ưu tiên tăng trưởng phát triển kinh tế, tăng trưởng GDP hay ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc trong thể chế để tổ chức sắp xếp, tinh giản bộ máy, xây dựng bộ máy từ T.Ư đến cơ sở liêm chính, hành động và phục vụ?”, ĐB Cường chất vấn.
Tinh giản 30 nghìn người từ năm 2015 đến nay
Trong trả lời chất vấn của ĐBQH Hoàng Văn Cường bằng văn bản mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước là một trong các nội dung của mục tiêu tổng quát của Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Chính phủ cũng đã xác định nhiệm vụ “Tổ chức bộ máy Chính phủ tinh gọn, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”, là nhóm nhiệm vụ chủ yếu đầu tiên trong 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu cần tập trung chỉ đạo, điều hành.
“Phạt cho tồn tại” làm nảy sinh hối lộ, tham nhũng Tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vừa qua, ĐBQH Dương Trung Quốc cũng tái chất vấn Thủ tướng Chính phủ về vấn đề “phạt cho tồn tại”, bởi theo ông, đó tưởng là vấn đề nhỏ nhặt nhưng lại có sức gặm nhấm, phá hoại sự tôn nghiêm của pháp luật và làm hư hỏng bộ máy công chức, là nguyên nhân tệ nạn hối lộ và tham nhũng vặt. Trả lời ĐB, Thủ tướng Chính phủ cho biết, “phạt cho tồn tại” là một thực tế đã và vẫn còn xảy ra trong xử lý vi phạm hành chính trên một số lĩnh vực của quản lý Nhà nước như quản lý đất đai, xây dựng đô thị, bảo vệ môi trường, GTVT… Chính phủ và chính quyền nhiều địa phương đã có các văn bản chỉ đạo và các biện pháp để thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nghiêm cấm việc “phạt cho tồn tại” nên tình trạng này đã từng bước được hạn chế như trong lĩnh vực quản lý đê điều, GTVT… |
Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước từ T.Ư đến cơ sở, bảo đảm đồng bộ, tinh gọn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; phân định nhiệm vụ của các bộ, ngành, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp. Đẩy mạnh tinh giản biên chế, tập trung chỉ đạo, xử lý những sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai minh bạch; Trong đó, đã xử lý nghiêm một số cán bộ lãnh đạo và công khai kết luận, tạo niềm tin trong nhân dân.
Theo người đứng đầu Chính phủ, từ năm 2015 đến nay đã tinh giản được trên 30 nghìn người. Cùng với đó là tập trung chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; Tăng cường thanh, kiểm tra công tác cán bộ, nhất là tuyển dụng, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý; đã xử lý nghiêm nhiều vi phạm.
Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tổ chức tinh giản biên chế, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời, tiếp tục phân cấp, phân quyền hợp lý, phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, bảo đảm tính thống nhất, dân chủ, công khai, minh bạch; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và của cán bộ, công chức trong thực thi nhiệm vụ. Đặc biệt, rà soát, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ; kiên quyết sàng lọc, thay thế những người yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận