Hồ sơ tài liệu

Thua kiện về quyền lao động, Uber bị ảnh hưởng ra sao?

21/11/2016, 14:05
image

Theo quy định, lương tối thiểu quốc gia tại Anh, tính từ ngày 1/10/2015 là 6,07 bảng Anh (187.000 VND)/giờ.

2
Tài xế taxi tại Anh biểu tình phản đối Uber

Cuối tháng 10 vừa qua, công ty cung cấp phần mềm gọi taxi Uber thua kiện tại Anh và bắt buộc phải chấp nhận quyền người lao động của tài xế hợp tác với công ty này. Vụ kiện có thể trở thành tiền lệ khiến Uber chật vật tại các nước khác.

“Chiến thắng vĩ đại”

Uber bị hai tài xế James Farrar và Yaseen Aslam đệ đơn kiện lên Tòa án Lao động London (Anh). Theo cáo trạng, mọi hoạt động của hai tài xế đều bị Uber kiểm soát, đồng nghĩa họ đã được công ty này thuê nhưng không nhận được quyền cơ bản của người lao động. Mức lương ông Farrar nhận được sau khi trừ các chi phí còn 5,03 bảng Anh (140.000 VND)/giờ, theo Telegraph.

Sau khi xét xử, Tòa án Lao động London phán quyết, tài xế hợp tác với các công ty cung cấp phần mềm gọi taxi đều là đối tượng được trả mức lương tối thiểu theo tiêu chuẩn quốc gia, lương bổng ngày lễ tết, được nghỉ phép có lương. Theo quy định, lương tối thiểu quốc gia tại Anh, tính từ ngày 1/10/2015 là 6,07 bảng Anh (187.000 VND)/giờ.

Song, Uber - công ty có trụ sở tại California, Mỹ cho rằng, tài xế của họ không phải là nhân viên chính thức mà chỉ là những người làm hợp đồng tự do. Ông Jo Bertram, Giám đốc Uber tại Anh nói: “10.000 người tại London đang hợp tác với Uber vì họ muốn được làm lao động tự do, muốn tự mình làm chủ mình”. “Phần lớn các lái xe sử dụng phần mềm Uber muốn được tự do, linh hoạt lái xe khi nào và ở đâu họ muốn. Trong khi phán quyết của tòa án chỉ phản ánh nguyện vọng của hai người. Chúng tôi sẽ kháng cáo!”, ông Jo tuyên bố.

Trong khi đó, Liên đoàn Lao động Anh (GMB) ca ngợi quyết định này là “chiến thắng vĩ đại” dành cho 40.000 lao động làm việc với Uber tại Anh và xứ Wales. Liên hiệp Thương mại Anh (TUC) nhận định, vụ kiện này đã phơi bày “mặt tối” của thị trường lao động Anh. Tổng thư ký TUC, ông Frances O’Grady cho biết: “Đối với nhiều người lao động, nền kinh tế tự do (hay còn gọi là nền kinh tế tạm thời - gig economy) là nền kinh tế bị thao túng. Trong đó, các chủ lao động không phải trả lương cơ bản cũng như cung cấp các phúc lợi cơ bản khác như thưởng ngày lễ tết, nghỉ phép... “Vụ kiện tại Uber chỉ là phần nổi của tảng băng. Rất nhiều người hiện đang mắc kẹt trong những công việc không được đảm bảo, lương thấp và không có tiếng nói. Chúng tôi cần chính phủ làm mạnh hơn nữa để định hình lại nền lao động tự do”.

Tạo hiệu ứng lan tỏa

BBC dẫn lời ông Alex Bearman, đối tác tại Công ty Luật Russell-Cooke cho biết: Uber có thể kháng cáo nhưng họ vẫn phải hoàn trả các tài xế tại Anh những khoản phúc lợi chưa thanh toán và chi phí lương bổng trong tương lai của Uber sẽ tăng. Tất nhiên, Uber có thể đẩy chi phí lao động tăng thêm về phía khách hàng. “Khách hàng sẽ chứng kiến giá tăng cao và dịch vụ kém ổn định”, ông Sam Dumitriu đến từ cơ quan cố vấn Viện Adam Smith nói.

Ông Luke Bowery, đối tác độc lập của Công ty Luật Burges Salmon cũng đồng tình: Chi phí cao sẽ ảnh hưởng tới khả năng cung cấp dịch vụ nhanh và linh hoạt tới khách hàng cũng như hệ số biên lợi nhuận (profit margin). "Uber sẽ phải suy nghĩ lại một cách cơ bản về cách hoạt động”, Bộ trưởng Bộ Kinh doanh Anh Jack Dromey đánh giá.

Suy rộng ra, mặc dù phán quyết này chỉ có phạm vi ảnh hưởng tại Anh (các nước khác nơi Uber hoạt động có quy định lao động khác), tuy nhiên, theo ông Bowery, phán quyết của tòa là tiền đề, có thể “ảnh hưởng tới phương thức Uber hoạt động tại các nước khác. Vốn dĩ, Uber từng bị kiện vì cáo buộc tương tự tại Mỹ”. Tháng 4/2016, các tài xế tại California và Massachusetts của Mỹ kiện Uber vì xếp họ vào lao động tự do. Tuy nhiên, trước khi diễn ra phiên tòa xét xử tại California, Uber đã trả 100 triệu USD cho các tài xế này để hòa giải.

Ông Nigel Mackay thuộc Công ty Luật Leigh Day, đại diện cho hai tài xế London trong vụ kiện trên nhận định: Điều quan trọng trong phán quyết của Tòa án London lần này đó là các tài xế đã thành công trong việc buộc Uber phải xác nhận, tài xế của họ không phải lao động tự do mà làm việc như một phần của công ty. “Đây là quyết định bước ngoặt, ảnh hưởng tới không chỉ hàng nghìn tài xế Uber đang làm việc tại Anh mà còn cả những lao động trong nền kinh tế tự do (gig economy) những người đã sai khi phân loại mình thuộc lao động tự do và tự tước các quyền người lao động của mình”, ông Nigel cho biết.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.