Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017 |
Đừng để hội nhập là trung gian xuất khẩu của vốn ngoại
Tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017, TS. Vũ Thành Tự Anh (Đại học Fulbright Việt Nam) cho biết, năm 2016, Việt Nam đứng thứ 14 về điểm hấp dẫn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năm 2017, Việt Nam đứng ở vị trí 12. Việt Nam gần như tham gia vào tất cả làn sóng của nền kinh tế. Tuy nhiên, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng cần phải xem lại là chúng ta được lợi gì.
“Gần đây, chúng tôi có nghiên cứu về ngành điện tử của Việt Nam, trọng điểm là hai công ty Samsung và Intel. Điều mà chúng tôi phát hiện ra một cách nhất quán là các doanh nghiệp Việt Nam về cơ bản không có trong danh sách các nhà cung ứng cấp 1 và 2 trong chuỗi giá trị của nhà máy Intel và Samsung”, TS. Vũ Thành Tự Anh nói. Ông ví dụ, như ở Samsung Thái Nguyên, đến nay, lĩnh vực xử lý chất thải và cung cấp suất ăn cũng do doanh nghiệp Hàn Quốc cung ứng và thực hiện. Do đó, TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, Việt Nam hội nhập thành công nhưng 70% giá trị xuất nhập khẩu là từ các doanh nghiệp ngoại.
Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đình Cung cũng đồng ý với quan điểm này. Ông Cung cho rằng, doanh nghiệp FDI đã tận dụng tốt hơn cơ hội từ hội nhập khi Việt Nam tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Vì thế, TS. Vũ Thành Tự Anh kiến nghị đừng để hội nhập là điểm trung gian giúp các doanh nghiệp FDI tận dụng để xuất khẩu. TS. trường Đại học Fulbright cũng kiến nghị hội nhập cần đi đôi với năng lực sản xuất, nâng cao mức sống của người dân. “Đó là ý mà chúng ta đã làm tốt nhưng có thể làm tốt hơn nhiều”, TS. Tự Anh nói.
Nửa vời sẽ thất bại trong hội nhập
Tới dự Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế cho biết, năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh lên mức kỷ lục là 400 tỷ USD; thu hút vốn FDI thành công với 24 nghìn dự án và tổng mức đầu tư đạt 230 tỷ USD; du lịch thu hút 13-14 triệu khách; kí kết nhiều FTA thế hệ mới; lần đầu tiên xuất khẩu rau - củ - quả vượt gạo, dầu thô. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ các bất cập, tồn tại như sức cạnh tranh chưa bắt kịp với hội nhập; khu vực doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI chưa có sự liên kết hiệu quả; nhận thức và hành động của một số ngành, địa phương, đặc biệt của người dân, doanh nghiệp về hội nhập là vấn đề rất lớn. Thủ tướng nhấn mạnh, chính nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ, cho nên hành động chưa đủ quyết liệt để chuyển tình thế phù hợp với hội nhập.
Thủ tướng nhấn mạnh việc tập trung triển khai Chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các phương diện. Phối hợp tốt hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương gắn liền với chương trình hành động trong cải cách, nhất là tạo điều kiện cho kinh doanh. |
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ: Chính phủ Việt Nam kiên trì chủ trương hội nhập toàn diện với trọng tâm là hội nhập kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, tư tưởng bảo hộ thương mại đang xuất hiện ở một số nước, Việt Nam vẫn quyết tâm hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời cần tập trung phát huy nội lực. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần Việt Nam tự cường trong hội nhập quốc tế để vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội.
Chính phủ Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Phát huy mạnh mẽ Chính phủ kiến tạo để tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh tốt hơn. Cứ trì trệ, bộ máy chạy không đều, “kẻ đẩy, người kéo” thì khó phát triển đất nước. Những rào cản, thủ tục, chi phí không cần thiết cần sớm xóa bỏ.
Chính phủ luôn xác định doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt, trong đó khu vực doanh nghiệp tư nhân có vai trò quan trọng và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp ngày càng phát triển. “Doanh nghiệp mà có niềm tin thì sẽ phát triển”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn đồng hành và lắng nghe ý kiến và phản hồi của các doanh nghiệp về các vấn đề chính sách để cùng tháo gỡ những khó khăn đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu các FTA để xây dựng phương án kinh doanh, sáng tạo vượt qua thách thức và tận dụng tối đa các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tăng cường liên kết thông qua các hiệp hội, ngành hàng để bảo vệ quyền lợi chính đáng trong quá trình cạnh tranh và đối phó với những rào cản mới trong thương mại quốc tế. Trong thực thi các hiệp định FTA, Chính phủ sẽ có những biện pháp phù hợp với những lĩnh vực còn tạm thời khó khăn của nền kinh tế để từng bước vươn lên.
Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế cần phát huy và tăng cường hơn nữa kết nối, điều phối các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Đặc biệt, cần rà soát các thỏa thuận hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là cam kết trong các FTA; đôn đốc các bộ, ngành và địa phương thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế; định kỳ báo cáo Chính phủ kết quả thực hiện.
Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập kinh tế cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước tăng cường nghiên cứu các vấn đề mang tính chiến lược về hội nhập kinh tế quốc tế để làm cơ sở tham mưu, tư vấn cho Chính phủ trong quá trình hoạch định chính sách về hội nhập. Trong đó, tập trung nghiên cứu các vấn đề mới như tác động của việc tham gia các FTA thế hệ mới, xu hướng chuyển dịch trọng tâm hợp tác trong các khung khổ khu vực và toàn cầu như: ASEAN, APEC, ASEM, WTO, tác động của tình hình kinh tế chính trị thế giới tới tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam...
Cần đẩy mạnh công tác dự báo, không để Việt Nam rơi vào thế bị động, bất ngờ trong hội nhập kinh tế quốc tế. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin về tình hình hội nhập và có những hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp và người dân nắm bắt, hiểu biết và có hành xử đúng trong hội nhập.
“Tiến trình hội nhập nói chung, đặc biệt là kinh tế quốc tế cần phải có quyết tâm cao, với sự sáng tạo, nỗ lực của mọi cấp, mọi ngành. Không có quyết tâm cao, không có hành động cụ thể, không triển khai đến nơi đến chốn, chúng ta nửa vời thì chúng ta thất bại”, Thủ tướng nêu rõ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận