Ông Nông Viết Chương được cho là hồi phục sau khi dùng bài thuốc an cung trúc hoàn gia truyền của lương y Nguyễn Quý Thanh |
Bài thuốc đặc trị đột quỵ
Tìm về xóm Phúc Lộc, xã Cao Ngạn, TP Thái Nguyên, PV Báo Giao thông đã gặp ông Nông Viết Chương, người từng bị bệnh viện trả về sau khi điều trị xuất huyết não không thành công. Hiện tại, ông Chương phục hồi, đi lại và hoạt động bình thường, dù hơi chậm. Theo lời bà Nguyễn Thị Tình, vợ ông Chương, cách đây 6 năm (năm 2011), chồng bà vốn đang khỏe bỗng bất tỉnh sau một đêm ngủ dậy. Theo cách chữa truyền thống, người nhà đã “đánh đậu rắn, đậu lào” (cạo gió dọc sống lưng), không hiệu quả mới đưa đi viện. Lúc nhập viện, ông Chương đã hôn mê. Được chẩn đoán đột quỵ nhưng sau khi điều trị không thành công, ông Chương bị viện trả về chuẩn bị lo hậu sự. “May mắn, gia đình được bà lương y Nguyễn Quý Thanh cho lọ thuốc cổ truyền An cung trúc hoàn mà ông Chương phục hồi được sức khỏe”, bà Tình cho biết.
Một ca bệnh khác, ông Trịnh Thúc Nghi (79 tuổi, trú tại Thanh Nhàn, Hà Nội), cho biết, đã dùng thuốc gia truyền của bà lang Quý Thanh ba năm nay sau lần đột quỵ nhồi máu não. Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Nghi, sau khi điều trị ổn định bằng Tây y, ông mới dùng thêm loại thuốc An cung trúc hoàn của bà Thanh để duy trì. “Đây không phải thuốc đặc trị mà có thể coi đây là loại thực phẩm chức năng hỗ trợ các bệnh nhân đột quỵ thì hiệu quả. Trước và sau khi dùng loại này, tôi đều đi chụp mạch máu não và thấy kết quả khá ổn”, ông Nghi cho biết. Cũng theo ông Nghi, sau mỗi đợt hết thuốc, ông chỉ cần gọi điện thoại đến phòng khám là sẽ được nhân viên mang thuốc đến tận nhà. “Chỉ bệnh nhân quen, bà Thanh mới trực tiếp đến hoặc cử người đến nhà bắt mạch khám bệnh”, ông Nghi nói.
Trao đổi về bài thuốc cổ truyền này của mình, lương y Quý Thanh cũng cho hay, loại thuốc này phù hợp với cả hai trường hợp đột quỵ não là xuất huyết và nhồi máu não. Bài thuốc vừa điều trị vừa hỗ trợ phòng ngừa các trường hợp đột quỵ não. Đây là bài thuốc gia truyền của dòng họ Nguyễn Quý nhà bà Thanh. “Tuy nhiên, không phải 100% các trường hợp đột quỵ đều mang lại hiệu quả. Thuốc chỉ có hiệu quả với các trường hợp tiếp nhận thuốc (bệnh nhân không nôn ra thuốc sau khi uống)”, bà Thanh nói.
Bài thuốc gia truyền cần kiểm chứng khoa học
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Trần Công Dân, Phó phòng Quản lý hành nghề y dược, Sở Y tế Thái Nguyên cho biết, sở đã chứng nhận cho bài thuốc gia truyền hỗ trợ điều trị đột quỵ của lương y Nguyễn Quý Thanh. Các vị thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân tai biến. “Tuy nhiên, đây không phải là loại điều trị đặc hiệu”. Ông Dân khẳng định. Theo vị Phó phòng, sau khi được cấp chứng nhận, bài thuốc gia truyền này được kê đơn cho bệnh nhân khám tại phòng chẩn trị của chính lương y đã đăng ký với Sở Y tế Thái Nguyên.
Chia sẻ về bài thuốc cổ trên, BS. Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y cổ truyền, BV Quân y 108 cho biết: “Nếu chỉ qua một vài trường hợp bệnh nhân điều trị phục hồi nhờ uống bài thuốc này cũng chưa thể đánh giá hết được hiệu quả thực sự của nó. Bởi cũng có những trường hợp bệnh nhân đột quỵ thậm chí hôn mê, nhưng cũng đã tự phục hồi mà không cần nhờ đến thuốc”.
Ông Toàn cũng cho hay, bài thuốc này cần được nghiên cứu, kiểm chứng khoa học để đánh giá hiệu quả. Nếu bài thuốc thật tốt thì cũng cần được nhân rộng. Theo đó, bài thuốc chữa đột quỵ này cần được nghiên cứu trên thực nghiệm, trên mô hình chuột, thỏ có các triệu trứng tai biến rồi sử dụng thuốc, xem xét hiệu quả, tác động đến gan thận hay không? Sau đó mới thực nghiệm trên người. “Có rất nhiều bài thuốc gia truyền hiệu nghiệm. Ngay như với bài thuốc gia truyền trị phong tê thấp Bà Giằng, tuy nhiên vẫn cần phải có minh chứng khoa học trước khi phổ biến rộng trong điều trị bệnh nhân”, ông Toàn nhấn mạnh.
Theo chia sẻ của bà Thanh, hiện cơ sở của bà cũng đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ tiếp tục xin cấp phép từ Bộ Y tế để thuốc chính thức được lưu hành rộng rãi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận