Chính quyền thôn Hà Trung (xã Trung Giang, Gio Linh, Quảng Trị) vận động mỗi chủ thuyền ủng hộ 200.000 đồng và mỗi hộ dân toàn thôn nộp 100.000 đồng để tổ chức hội diễn văn nghệ của thôn trong dịp Tết 2017. |
Liên quan đến việc "vận động nộp lại tiền bồi thường sự cố môi trường biển" khiến dư luận xôn xao, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phạm Thế Hiển, Trưởng thôn Hà Lợi Trung xác nhận: thôn có vận động mỗi chủ thuyền đóng góp ủng hộ 200.000 đồng, mỗi hộ dân 100.000 đồng. Đây là mặt bằng đóng góp chung trong thôn, ai có thì đóng góp, ai không có thì thôi chứ không bắt buộc. Thôn cũng không trực tiếp thu tiền, mà thành lập các tổ tiếp nhận và quản lý tiền này tại các xóm với sự tham gia của các Trưởng xóm và Ban công tác Mặt trận….
Theo ông Hiển, thông tin cho rằng thôn buộc chủ tàu, hộ dân đóng góp mức trên là không chính xác. Người phản ánh thông tin này trên một số phương tiện thông tin đại chúng cũng không phải là người của các chủ thuyền.
Ông Hiển khẳng định, việc khuyên góp nhằm mục đích tổ chức hội diễn văn nghệ dịp Tết Âm lịch 2017 tới. Để triển khai, từ ngày 15/11, Ban công tác Mặt trận thôn đã tổ chức họp toàn dân trong thôn (trong đó có các chủ thuyền nhận được tiền bồi thường sự cố môi trường biển) để phổ biến chương trình, vận động và người dân đồng thuận cao.
Người dân nhận tiền bồi thường sự cố môi trường biển luôn có sự giám sát sát sao và có lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự |
Hà Lợi Trung là thôn có truyền thống văn hóa văn nghệ. Nhưng đã 5 năm qua, thôn này không tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng trong dịp Tết. Năm nay, thôn thông qua chủ trương xây dựng 15- 16 tiết mục văn nghệ và dự kiến tổ sẽ tổ chức vào ngày Mùng 4 hoặc Mùng 6 Tết. Qua đó, thôn sẽ lựa chọn để đóng góp 2 tiết mục văn nghệ nhân dịp phục vụ lễ Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng xã Trung Giang (tổ chức trước Tết).
Cũng theo ông Hiển, kinh phí tổ chức hội diễn văn nghệ này tốn khoảng hai ba chục triệu. Kinh phí thôn không đủ nên vận động và được người dân đồng tình ủng hộ. Các năm trước, không tổ chức văn nghệ, thôn cũng thường huy động mỗi hộ đóng góp 50.000 đến 100.000 đồng để lo hương khói, lễ lạt của xóm, làng.
“Năm nay xảy ra sự cố môi trường biển, nhưng với tinh thần đoàn kết, yêu quê hương, yêu văn nghệ, tại cuộc họp bà con đã thống nhất cao: mỗi chủ thuyền đóng góp ủng hộ 200.000 đồng, mỗi hộ dân 100.000 đồng. Việc đóng góp hoàn toàn tự nguyện”, ông Hiển nói.
Người dân xã Vĩnh Thái (Vĩnh Linh, Quảng Trị) nhận tiền bồi thường sự cố môi trường biển |
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Trung Giang Trần Xuân Tưởng cho biết: xã huy động mỗi địa phương 2 tiết mục văn nghệ dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng xã Trung Giang. Ở hội diễn nghệ thuật quần chúng của thôn, xã chỉ hỗ trợ mức 1 triệu đồng.
"Qua làm việc với Trưởng thôn Hà Lợi Trung, các hộ dân ngày 2/12 cũng như biên bản cuộc họp của Ban công tác Mặt trận thôn Hà Lợi Trung ngày 15/11 đều cho thấy, thôn này đã tổ chức họp dân rộng rãi và nhận được sự đồng thuận rất cao của bà con. Nếu bắt buộc đóng góp là sai, nhưng ở đây bà con ủng họ, mong muốn được tổ chức văn nghệ, ông Tưởng nói thêm.
Ông Tưởng phản bác hoàn toàn không có chuyện cán bộ địa phương làm khó trong quá trình sinh sống và sản xuất, trong đó có việc làm giấy tờ, xác nhận giấy tờ, hồ sơ liên quan đến việc học tập, lao động của con em họ nếu dân không "tự nguyện đóng góp" các mức trên.
“Chúng tôi hoàn toàn đồng tình và tự nguyện đóng góp để năm nay thôn tổ chức văn nghệ trong dịp Tết cổ truyền dân tộc và có vài tiết mục văn nghệ đóng góp chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng xã nhà. Nếu không đồng ý, người dân có quyền không nộp chứ không bắt buộc và chúng tôi cũng đề nghị chính quyền làm rõ ai là người đã phản ánh thông tin sai lệch”, ông Phan Thanh Bình (64 tuổi) cùng đông đảo người dân thôn Hà Lợi Trung bày tỏ. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận