Ùn tắc ở sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Zing |
Theo báo cáo của Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 (chủ đầu tư), dự án nâng cấp và mở rộng đường Phạm Văn Bạch, quận Tân Bình với chiều dài 5,7km gồm 5 nhánh với tổng mức đầu tư hơn 680 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng 143 tỷ đồng, chi phí GPMB 463 tỷ đồng. Hiện, nhánh 1 đã xong từ năm 2010, nhánh 2 có 574 trường hợp (8 trường hợp giải tỏa trắng) bị ảnh hưởng. Đến nay, còn 181 trường hợp đoạn từ kênh Hy Vọng đến Huỳnh Văn Nghệ chưa tháo dỡ, di dời. Đối với đoạn từ Trần Thái Tông đến kênh Hy Vọng có 329 trường hợp bị ảnh hưởng nhưng mới có 60 hộ tháo dỡ bàn giao mặt bằng. Nhiều hộ chưa nhận tiền đền bù vì cho rằng đơn giá đền bù thấp.
Ông Nguyễn Vĩnh Ninh, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 kiến nghị quận Tân Bình đẩy mạnh công tác vận động, thuyết phục những hộ còn lại khẩn trương tháo dỡ bàn giao mặt bằng trong tháng 3 cho nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Ngoài ra, một phần đất của Bộ Quốc phòng có liên quan đến dự án sớm bàn giao cho đơn vị thực hiện thi công.
Đối với dự án xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa (chiều dài toàn tuyến 4,1km với chi phí đầu tư 1.402 tỷ đồng), theo ông Ninh, hiện dự án còn đang chờ thủ tục giao đất từ phía Bộ Quốc phòng và việc thống nhất về hướng tuyến, quy mô. Ngoài ra, dự án mở rộng đường Hoàng Minh Giám (đoạn từ công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh và đoạn vuốt nối từ đường Phổ Quang hiện hữu), quận Phú Nhuận đang chờ công tác GPMB nên chưa tiến hành khởi công. Tổng chiều dài toàn tuyến 761m, quy mô 6 làn xe, vốn đầu tư 166,3 tỷ đồng. Dự án dự kiến khởi công tháng 7/2017, hoàn thành tháng 3/2018, sau khi có mặt bằng. Hiện, có 10 đơn vị, cá nhân bị ảnh hưởng, Ban bồi thường GPMB quận Phú Nhuận đang tổ chức đo đạc, khảo sát giá đất đền bù cho các hộ dân.
Cũng theo ông Nguyễn Vĩnh Ninh, khu 1 đã lắp ba camera quan sát tại dự án xây dựng cầu vượt nút giao đường Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài. Ngoài ra, khu 1 đã thực hiện phân luồng giao thông, rào chắn đảm bảo an toàn khu vực thi công.
Tại dự án xây nút giao cầu vượt thép Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, hiện Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 (chủ đầu tư) cũng đã lắp camera tại nút giao này.
Theo ông Bùi Xuân Cường, việc lắp camera quan sát ở công trường mục đích không chỉ để người dân biết được tình hình giao thông ở khu vực này, mà còn nhằm kiểm soát tiến độ thi công, giám sát điều hành công trường. Để biết về tình hình giao thông khu vực này, người dân chỉ cần truy cập vào trang web giaothong.hochiminhcity.gov.vn.
Trước đó, dự án xây mới cầu Nhị Thiên Đường 1, quận 8, khu quản lý giao thông đô thị số 1 cũng đã lắp 4 camera quan sát khu vực công trường có kết nối với cổng thông tin điện tử trực tuyến.
Tại cuộc họp, ông Bùi Xuân Cường cũng yêu cầu các chủ đầu tư phân bổ nguồn lực cho phù hợp với từng dự án. Riêng dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa, triển khai càng sớm càng giảm ùn tắc. “Mấu chốt của các dự án hiện nay còn vướng công tác GPMB, do vậy chủ đầu tư tập trung phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ mặt bằng giao cho nhà thầu thi công”, ông Cường nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận